Từ hôm nay (1-2), Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh chính thức triển khai thí điểm tại KBNN huyện Đại Từ là KBNN không còn tiền mặt. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bảo Hường, Giám đốc KBNN tỉnh.
P.V: Trước hết, bà có thể cho biết khái quát về mô hình KBNN không còn tiền mặt và lộ trình tiếp theo sẽ được KBNN tỉnh triển khai?
Bà Nguyễn Thị Bảo Hường: Cùng với sự chuyển đổi nền kinh tế, tiến tới không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ, KBNN đã có lộ trình thực hiện KBNN không còn tiền mặt, toàn bộ dòng tiền của hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) qua KBNN được thực hiện qua các chương trình thanh toán điện tử hiện đại. Cuối ngày làm việc, toàn bộ ngân quỹ Nhà nước do KBNN quản lý được tập trung ở tài khoản duy nhất của hệ thống KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
KBNN Thái Nguyên là một trong những đơn vị trong cả nước tiên phong thực hiện KBNN không còn tiền mặt. Trước mắt, vẫn còn tiền mặt trong hoạt động thu, chi ngân sách, nhưng KBNN sẽ ủy nhiệm toàn bộ hoạt động này qua Ngân hàng thương mại (NHTM) nơi KBNN mở tài khoản thanh toán. Theo Kế hoạch, sau khi thí điểm thực hiện tại KBNN huyện Đại Từ sẽ tiến hành đánh giá kết quả và triển khai tới các KBNN toàn tỉnh trong quý III/2021. Đây là nền tảng quan trọng để thực hiện KBNN không chứng từ, không khách hàng giao dịch để hình thành KBNN số trong thời gian tới.
P.V: Đâu là những ưu điểm và khó khăn đối với khách hàng và KBNN trong thực hiện mô hình này, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bảo Hường: Mô hình KBNN không giao dịch tiền mặt sẽ giúp các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch thu, chi tiền mặt tại tất cả các điểm giao dịch của NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán. Khi chúng tôi triển khai thí điểm tại KBNN huyện Đại Từ, các đơn vị giao dịch có thể nộp tiền mặt từ hoạt động như thu học phí, viện phí,… vào tài khoản tại KBNN huyện Đại Từ ở tất cả các điểm giao dịch của Agribank Đại Từ, không phải đến trụ sở KBNN như trước. Điều này, sẽ góp phần giảm lượng tiền mặt trong giao dịch, rút bớt bước luân chuyển của tiền mặt, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, cũng như tạo thêm dịch vụ cho NHTM.
Đối với KBNN, mô hình này sẽ giúp tận dụng tối đa nhân lực, công chức hiện làm công tác kho quỹ chuyển sang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, hạch toán thu, chi ngân sách, bổ sung nhân lực làm việc cho các KBNN đang thiếu hụt lao động. Các KBNN cũng giảm bớt được công tác đảm bảo an ninh, an toàn khi vận chuyển, bảo quản tiền mặt. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình hoạt động mới chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn nhất định, do thói quen giao dịch tiền mặt với KBNN của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cùng với đó là sức ì, ngại đổi mới từ chính nội tại của một số công chức KBNN…
P.V: Công tác chuẩn bị cho việc triển khai thí điểm này được KBNN tỉnh thực hiện ra sao? Các đơn vị sử dụng NSNN cũng như NHTM tham gia phối hợp phải làm gì để mang lại hiệu quả, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bảo Hường: Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự thống nhất cao trong Đảng ủy, Ban lãnh đạo trong chỉ đạo triển khai thí điểm từ khâu xây dựng kế hoạch, lựa chọn đơn vị thí điểm, phối hợp với Agribank Thái Nguyên, Agribank Đại Từ; chỉ đạo KBNN huyện Đại Từ tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành, phối hợp của các đơn vị giao dịch trên địa bàn. Ngay cuối tháng 1, chúng tôi chỉ đạo KBNN huyện Đại Từ ký bổ sung thỏa thuận phối hợp với Agribank Đại Từ, có văn bản gửi tới các đơn vị giao dịch trên địa bàn.
P.V: Cùng với việc triển khai mô hình KBNN không còn tiền mặt, KBNN Thái Nguyên đang và sẽ làm gì để thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bảo Hường: Chúng tôi đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rõ KBNN Thái Nguyên tiếp tục tinh gọn bộ máy, thành lập KBNN khu vực theo lộ trình; đào tạo, chuẩn bị nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0. Trong năm 2021 sẽ đạt 100% (11/11) thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công cấp độ 4, trong đó tích hợp 9/11 thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp thu triển khai dự án thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); nâng cao chất lượng công tác lập báo cáo tài chính Nhà nước, phân tích số liệu thu, chi NSNN, tăng cường kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu với các cơ quan có liên quan… Trên nền tảng KBNN điện tử hiện nay, KBNN Thái Nguyên định hình hoạt động của KBNN số trong thời gian sớm nhất.
P.V: Xin cảm ơn bà!