Quản lý các mỏ hết hạn giấy phép khai thác

10:48, 19/04/2021

Trên địa bàn tỉnh hiện có một số mỏ khoáng sản đã hết hạn giấy phép khai thác, trong đó, có mỏ mới khai thác được một phần hay thậm chí chưa khai thác. Về vấn đề quản lý và khai thác tốt các mỏ này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường.

P.V: Thưa ông, trên địa bàn tỉnh hiện nay có bao nhiêu mỏ đã hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản?

Ông Nguyễn Thế Giang: Tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh có 45 mỏ có giấy phép khai thác đã hết hạn, chấm dứt hiệu lực. Với các mỏ này, Sở Tài nguyên – Môi trường đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) dừng hoạt động khi giấy phép hết hạn, đồng thời tiến hành lập đề án đóng cửa mỏ kèm theo các văn bản pháp lý có liên quan đến quyền khai thác và các quyền khác gửi về Sở. Trường hợp DN có nhu cầu tiếp tục khai thác, Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị DN tổ chức thu thập tài liệu, thăm dò nâng cấp trữ lượng và gửi kết quả về UBND tỉnh và Sở trước khi giấy phép khai thác hết hạn để kiểm tra, xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng theo quy định.

Đến nay, trong số 45 mỏ có giấy phép khai thác đã hết hạn, 24 mỏ đã có quyết định đóng cửa, số còn lại đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép khai thác theo quy định. Đây là 21 mỏ chưa khai thác hết trữ lượng, gồm: 12 mỏ đã thăm dò, nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt trữ lượng, đang lập hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép khai thác; 8 mỏ đang đề nghị cấp lại giấy phép khai thác và 1 mỏ đang lập hồ sơ đề nghị đóng cửa theo quy định. 

P.V: Theo quy định, đối với tất cả các mỏ đã đóng cửa thì phải hoàn thổ. Vậy, với Thái Nguyên, công tác này được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Giang: Theo quy định, sau khi giấy phép khai thác hết hạn, DN tiến hành lập đề án đóng cửa mỏ để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, làm cơ sở thực hiện đóng cửa theo quy định. Thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá, đôn đốc và yêu cầu các chủ mỏ thực hiện nghiêm quy định về hoàn thổ sau khi đóng của. Tính đến nay, với 24 mỏ đã có quyết định đóng cửa, các DN đều đã hoàn thổ theo đề án được phê duyệt.

P.V: Để quản lý tốt những mỏ đã hết hạn giấy phép khai thác, tỉnh đã chỉ đạo và đưa ra giải pháp gì thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Giang: Trên cơ sở quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để điều hành và tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản, như: Quyết định số 2323/QĐ-UBND ngày 6/8/2018 về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 14/1/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh... Trong đó, cụ thể hóa trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Đối với UBND cấp huyện cần thực hiện tốt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép... UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải tạm dừng khai thác khi giấy phép hết hạn và có trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài sản, công trình khai thác, công trình bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho đến khi được gia hạn giấy phép khai thác hoặc có văn bản trả lời của tỉnh…

P.V: Xin cảm ơn ông!