Thận trọng, tỉnh táo khi giao dịch bất động sản

09:16, 12/04/2021

Tại Thái Nguyên hiện không có tình trạng “sốt đất”, ảo giá bất động sản (BĐS) trên bình diện rộng như một số địa phương khác. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra tình trạng này vẫn luôn hiện hữu. Vậy, cơ quan quản lý Nhà nước có những giải pháp gì để bảo đảm thị trường BĐS của tỉnh phát triển lành mạnh, ổn định? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng.

P.V: Thưa ông, thế nào là hiện tượng “sốt đất”, hay ảo giá BĐS?

Ông Hoàng Đức Khánh: Theo Luật Kinh doanh BĐS thì các loại BĐS đưa vào kinh doanh bao gồm: Nhà, công trình xây dựng có sẵn của các tổ chức, cá nhân; nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai của các tổ chức, cá nhân; Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được phép kinh doanh quyền sử dụng đất. Việc kinh doanh BĐS phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật: Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… và các văn bản dưới luật.

Trước hết, cần khẳng định những từ ngữ như “sốt đất”, ảo giá đất, hay “bong bóng” BĐS không được nêu trong các văn bản quy phạm pháp luật, đây chỉ là cách gọi quen thuộc về những bất thường trong hoạt động giao dịch BĐS ngoài xã hội. Chúng ta có thể hiểu “sốt đất”, ảo giá BĐS là tình trạng giá BĐS tăng đột biến, liên tục trong một thời gian ngắn, không phản ánh giá trị thực tương đối, xảy ra trên diện rộng. Người mua nhà, đất chủ yếu là giới đầu cơ, không có nhu cầu để ở hay sản xuất, kinh doanh trên BĐS đó.

P.V: Vậy nguyên nhân và hệ lụy (nếu xảy ra) của “sốt đất”, “bong bóng” BĐS là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Khánh: Có nhiều nguyên nhân nhưng thường do một số yếu tố chính như: Giới đầu cơ, kinh doanh BĐS, “cò đất” cố tình “thổi” giá, tạo ra những nhu cầu ảo, trong khi nhiều người dân, nhà đầu tư thiếu thông tin chính xác về thị trường, thông tin về quy hoạch, thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh, bị cuốn theo tâm lý đám đông và kỳ vọng thái quá.

Ngoài ra, nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội nhiều, lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thấp, các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn hơn khiến dòng tiền đổ vào BĐS tăng, cũng là nguyên nhân dẫn đến “sốt giá” đất.

Tình trạng “sốt giá” đất, “bong bóng” BĐS tạo ra nhiều hệ lụy. Nếu giá đất tăng quá cao và liên tục trong thời gian ngắn thì sẽ đến lúc tính thanh khoản không còn, thị trường BĐS có thể đổ vỡ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, an ninh trật tự... Tỷ lệ nợ xấu gia tăng, đất đai không phát huy tác dụng vì bị đầu cơ, bỏ hoang. Người dân, nhà đầu tư BĐS sẽ bị thiệt hại trực tiếp.

P.V: Nhiều địa phương trên cả nước và ngay ở một số tỉnh lân cận Thái Nguyên đang xảy ra “sốt đất”. Vậy, trên địa bàn tỉnh có hiện tượng này không?

Ông Hoàng Đức Khánh: Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh về tình trạng “sốt đất”, ảo giá BĐS ở nhiều địa phương, dòng tiền và rất nhiều người đổ xô vào kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng này ở phạm vi rộng, giá BĐS có tăng nhưng không đột biến, tương đối ổn định và khá thấp so với nhiều tỉnh khác. Ngoại trừ một số vị trí và trường hợp cá biệt.

P.V: Để ngăn chặn tình trạng “sốt giá”, ảo giá BĐS, tránh thiệt hại cho người dân và nhiều hệ lụy khác, các cấp, ngành trong tỉnh đã và sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Khánh: Giá BĐS do thị trường quyết định. Tuy nhiên, để hoạt động kinh doanh BĐS đúng quy định của pháp luật, thị trường BĐS lành mạnh, các cấp, ngành, đặc biệt là Sở Xây dựng đã có nhiều giải pháp trong công tác quản lý. Đó là việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp, sàn giao dịch BĐS, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh; kiểm tra tình hình, tiến độ các dự án BĐS để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, phân lô bán nền trái pháp luật; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận, gây mất ổn định thị trường BĐS; công khai kịp thời, đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án BĐS đủ điều huy động góp vốn và kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai trên hệ thống thông tin điện tử của Sở; triển khai hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở, phát triển đô thị...

Mới đây, Sở Xây dựng đã đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS của tỉnh để từng bước cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

P.V: Ông có khuyến cáo gì đối với người dân và nhà đầu tư BĐS tại Thái Nguyên?

Ông Hoàng Đức Khánh: Tỉnh đang trong giai đoạn phát triển tốt, nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai, hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Đó là những yếu tố chính có thể sẽ khiến thị trường BĐS sôi động hơn trong thời gian tới, tần suất giao dịch sẽ tăng lên. Nguy cơ “sốt đất” không phải là không có.

Theo chúng tôi, điều quan trọng nhất là người dân có nhu cầu mua nhà, đất, nhà đầu tư BĐS trước khi quyết định giao dịch cần tìm hiểu thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường, về pháp lý của sản phẩm qua các kênh chính thống. Thận trọng, tỉnh táo trước những tin đồn vô căn cứ, kịp thời phản ánh những hành vi gian lận, lừa đảo trong kinh doanh BĐS tới cơ quan chức năng.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông về những thông tin này!