“Mục tiêu kép” tại các khu công nghiệp: Phòng, chống dịch vẫn là trọng yếu

07:15, 07/06/2021

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Thái Nguyên, ông TRẦN QUỐC TRUNG, Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh khẳng định: Đến thời điểm này, việc thực hiện “mục tiêu kép” trong các KCN trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Trong các KCN chưa xuất hiện ca mắc COVID-19, chưa có doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động do dịch bệnh... 

P.V: Trong khi ở nhiều KCN tại các tỉnh, thành khác đã xuất hiện bệnh nhân COVID-19, thậm chí trở thành các ổ dịch lớn như ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng… thì các KCN của tỉnh đến nay vẫn khá bình yên, chưa có ca F0 nào dù đối diện rất nhiều nguy cơ. Ông có cho rằng đó là sự may mắn?

Ông Trần Quốc Trung: Tôi nghĩ ít nhiều có yếu tố may mắn bởi dịch bệnh là rất khó lường. 5 KCN đang hoạt động tại tỉnh hiện có khoảng 87.000 công nhân, trong đó có 70% là người ngoài tỉnh di chuyển thường xuyên bằng nhiều loại phương tiện. Các DN đều nằm trong những chuỗi sản xuất, hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh và với nhiều tỉnh khác diễn ra thường xuyên, nhộn nhịp. Đó là những yếu tố chính khiến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các KCN gặp nhiều khó khăn, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh cao. Dù đến thời điểm này chúng ta có may mắn nhưng điều đó không quyết định, quan trọng là việc thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.

P.V: Ông có thể cho biết những giải pháp chính mà Ban quản lý các KCN tỉnh cùng các DN đã và đang triển khai để phòng, chống dịch COVID-19 là gì?

Ông Trần Quốc Trung: Thực hiện nghiêm những chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, Ban quản lý các KCN đã sớm thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; xây dựng Quy chế phối hợp chặt chẽ với các địa phương có KCN; lập phương án, kế hoạch cụ thể để chủ động ứng phó với mọi tình huống dịch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo các DN chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “4 tại chỗ”; huy động xã hội hóa để hỗ trợ DN truy vết, test sàng lọc COVID-19 cho công nhân…

Ngày 26-5 vừa qua, khi 3 DN trong KCN Điềm Thụy có công nhân liên quan đến bệnh nhân 5.999, sau khi khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết, chúng tôi đã họp rút kinh nghiệm, kịp thời chỉ ra những kẽ hở để khắc phục, hướng dẫn các DN tăng cường quản lý người, phương tiện ra, vào đơn vị.

P.V: Điều rất đáng mừng là cùng với thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch thì kết quả thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong các KCN trên địa bàn tỉnh đang có những khởi sắc. Ông có thể nói rõ hơn về những kết quả này?

Ông Trần Quốc Trung: Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch năm trước, tại các KCN trên địa bàn tỉnh có 15 DN phải tạm dừng hoạt động nhưng ở đợt dịch này chưa có DN nào phải làm vậy. Kể cả 3 DN có nhiều công nhân liên quan đến bệnh nhân số 5999 vẫn duy trì sản xuất và đến nay đã khôi phục được khoảng 70% công suất. Chuỗi sản xuất của các DN FDI tại tỉnh không bị đứt gẫy, người lao động được bảo đảm các chế độ theo quy định.

Tính từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp mới 22 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các KCN với tổng vốn đăng ký gần 48 triệu USD và 2.328 tỷ đồng; cấp điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn tăng thêm xấp xỉ 40 triệu USD và 15 tỷ đồng. Cũng từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu của các DN trong KCN ước đạt 12 tỷ USD và 2.500 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt  3.500 tỷ đồng.

Rõ ràng, kết quả thu hút đầu tư vào các KCN và phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN có những khởi sắc rất đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái dù diễn biến của dịch COVID-19 phức tạp hơn.

P.V: Như vậy, có thể nói, việc thực hiện “mục tiêu kép” tại các KCN đến thời điểm này đang đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vậy, những giải pháp chính sẽ được Ban quản lý các KCN tập trung trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Trần Quốc Trung: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là nhiệm vụ trọng yếu, không thể chủ quan, lơ là bởi nếu xảy ra dịch trong KCN thì thiệt hại sẽ rất lớn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch hiệu quả; tăng cường đối thoại, nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Đẩy mạnh cải cách hành chính cũng là nhiệm vụ được chú trọng, đồng thời, chúng tôi tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng để thu hút thêm nhà đầu tư vào các KCN.

Để việc thực hiện “mục tiêu kép” trong các KCN hiệu quả hơn nữa, chúng tôi mong muốn nhận được sự phối hợp hơn nữa từ các cấp, ngành liên quan; sự đồng tình, nỗ lực của từng DN và người lao động.

P.V: Xin cảm ơn ông!