Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hệ thống Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm vừa bảo đảm an toàn, vừa giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc, không để xảy ra tình trạng án tồn đọng, kéo dài. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Lương Văn Hiển, Phó Chánh án TAND tỉnh.
P.V: Trước hết, ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong công tác xét xử của TAND 2 cấp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay?
Ông Lương Văn Hiển: Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tòa án hiện nay rất nặng nề, các vụ án phải thụ lý, giải quyết tăng, tính chất ngày càng phức tạp. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của TAND Tối cao, của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh cùng với sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan, TAND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thuộc TAND 2 cấp trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Cơ bản các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định. Cơ bản các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định; tỷ lệ án bị hủy, bị sửa, nhất là xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của thẩm phán luôn ở mức thấp hơn so với tỷ lệ nghị quyết của Quốc hội đề ra.
P.V: Ông đánh giá như thế nào về tác động của dịch COVID-19 đến tiến độ giải quyết, xét xử các vụ án trên địa bàn tỉnh?
Ông Lương Văn Hiển: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc giải quyết, xét xử các vụ án gặp khá nhiều khó khăn. Cụ thể, không thực hiện được việc tống đạt trực tiếp các văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng; khó thu thập tài liệu, chứng cứ, xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản trong các vụ án có tranh chấp; việc trích xuất, dẫn giải bị cáo đang bị tạm giam ở các vùng có dịch tới phiên tòa không thực hiện được; các vụ án có nhiều đương sự ở vùng có dịch không tham gia tố tụng được nên nhiều phiên tòa phải hoãn, dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án...
P.V: Vậy, những loại án nào được ngành Tòa án ưu tiên giải quyết trước, thưa ông?
Ông Lương Văn Hiển: TAND tỉnh chỉ đạo các đơn vị ưu tiên đưa ra xét xử, giải quyết các vụ việc, vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp (nếu có); các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, vụ án phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; các vụ việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; vụ án sắp hết thời hạn giải quyết…
P.V: Thời gian qua, TAND 2 cấp của tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để bảo đảm thực hiện tốt "mục tiêu kép", thưa ông?
Ông Lương Văn Hiển: TAND đã quán triệt thực hiện nghiêm quy tắc 5K và các yêu cầu phòng, chống dịch; chỉ tổ chức tiếp công dân, tiếp khách trực tiếp khi thật sự cần thiết; tạm dừng việc nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ trực tiếp tại trụ sở, hướng dẫn nhận đơn khởi kiện qua dịch vụ bưu chính, trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Tòa án chỉ triệu tập những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tham dự phiên toà, phiên họp. Không tổ chức phiên toà, phiên họp tập trung trên 20 người trong một phòng…
P.V: Bên cạnh những giải pháp trên, TAND 2 cấp của tỉnh đã triển khai các phong trào gì để nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như công tác xét xử, thưa ông?
Ông Lương Văn Hiển: Ngoài các giải pháp nêu ở trên, TAND 2 cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Vì công lý” và các phong trào khác do địa phương phát động. Đồng thời, tiếp tục áp dụng 14 giải pháp của TAND Tối cao đã đề ra. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu ở từng đơn vị; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ; thực hiện tốt việc quy hoạch, luân chuyển, điều động các vị trí công tác; tiếp tục thực hiện đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, bảo đảm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án...
P.V: Xin cảm ơn ông!