Đẩy mạnh chuyển đổi số để hiện thực hóa mục tiêu lớn

07:00, 24/12/2021

Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số (CĐS). Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình CĐS của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và lấy ngày 31-12 hằng năm là Ngày CĐS tỉnh Thái Nguyên (là tỉnh đầu tiên trong cả nước có ngày CĐS). Đến nay, sau một năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, toàn tỉnh đã gặt hái được nhiều thành quả rõ rệt trong CĐS, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần làm để hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển… Đây là những vấn đề trọng tâm trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thái Nguyên của đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

P.V: Nhìn vào thực tế có thể thấy rõ Thái Nguyên đã đạt được những kết quả nổi bật trong công tác CĐS, nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả đó?

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Sau một năm thực hiện CĐS, Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu rất đáng kể trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh xếp thứ 12/63 địa phương về CĐS, trong đó chỉ số chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc. Mô hình “Phòng họp không giấy” đã được áp dụng phổ biến từ tỉnh đến các địa phương.

Trong bối cảnh dịch bệnh, CĐS đã giúp Thái Nguyên vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Người dân, doanh nghiệp đều được thụ hưởng những thành quả do CĐS mang lại. Chính quyền thay đổi để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp với những cách làm mới, đổi mới lề lối, phương thức làm việc; hình thành những đô thị thông minh, xã thông minh; phát triển kinh tế số, triển khai thanh toán trực tuyến, phát triển thương mại điện tử với những nông sản đặc trưng của địa phương.... Trên tất cả các lĩnh vực, tỉnh đều chỉ đạo gắn với CĐS để thực hiện hiệu quả và đồng bộ nhất.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Thái Nguyên. Ảnh: L.K

P.V: Thưa đồng chí, đâu là nguyên nhân của những thành quả sau 1 năm Thái Nguyên tập trung thực hiện CĐS?

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Điều mang lại thành công cho Thái Nguyên trong quá trình thực hiện CĐS trước hết là sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ban hành và triển khai Nghị quyết về CĐS từ sớm. Thái Nguyên có một lợi thế là đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động, nhanh chóng tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai, đưa Nghị quyết số 01-NQ/TU vào cuộc sống. Sự ra đời của Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) - “bộ não số” của tỉnh là một ví dụ.

Trong CĐS, yếu tố quyết định thành công chính là nhận thức về CĐS của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp. Đến nay, Thái Nguyên là địa phương duy nhất đã tổ chức khóa bồi dưỡng quy mô toàn tỉnh về CĐS, tạo được những chuyển biến tích cực.

Tiếp đó là sự vào cuộc, chung tay của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh; lực lượng lao động dồi dào và chất lượng cao… Đó là nền tảng tốt để Thái Nguyên thành công trong CĐS.

Tính năng, tiện tích của các nền tảng được tích hợp sử dụng tại Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC). Ảnh: L.K

P.V: Tỉnh đã gặt hái nhiều thành công và cũng tích lũy được không ít kinh nghiệm sau một năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cả trước mắt và lâu dài để hiện thực hóa các mục tiêu cao hơn về CĐS. Đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục coi CĐS là động lực và bệ đỡ cho quá trình phát triển của địa phương. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh lựa chọn CĐS là “chìa khóa” để phát triển kinh tế, xã hội theo hướng xây dựng chính quyền số, kinh tế số và công dân số; hướng tới sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp thông qua dịch vụ công trực truyến, cải cách hành chính.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết về CĐS trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ kế thừa những kết quả đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới trong chỉ đạo, điều hành; tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng lộ trình rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính các cấp; lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu hướng tới trong mọi chỉ đạo, điều hành, làm thước đo đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về CĐS; tuyên truyền sâu rộng về lợi ích, tính năng của các ứng dụng xã hội số dành cho người dân để mọi người sử dụng hiệu quả và thiết thực nhất. Tìm kiếm các giải pháp nâng cao thứ hạng, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh CĐS trên mọi lĩnh vực; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, xây dựng thành phố thông minh; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp CĐS, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Đặc biệt là huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia CĐS, lấy người dân là trung tâm để phục vụ…

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên kết hợp với "đi trước, đón đầu" trong lĩnh vực CĐS sẽ giúp Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững hơn, trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta...

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!