Nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch cho học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh trở lại học tập trung và trực tiếp, thời gian dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 8/2/2022. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
P.V: Trước hết, ông có thể cho biết về kế hoạch cho HS trên địa bàn tỉnh trở lại học tập trung?
Ông Phạm Việt Đức: Theo kế hoạch vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng để tham mưu với UBND tỉnh, toàn bộ trẻ em mẫu giáo (từ 3-5 tuổi), HS cấp học phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT), học viên các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ trở lại trường học tập trực tiếp, bắt đầu từ ngày 8/2/2022. Kế hoạch dựa trên những nội dung hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi đã được sự nhất trí của Bộ Y tế và tư vấn của các cơ quan chuyên môn.
Cụ thể, toàn tỉnh sẽ chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 sẽ tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến, hoặc khoanh vùng theo nhóm tự quản tại các khu dân cư để thực hiện dạy học linh hoạt bằng nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, trực tuyến...), dựa trên mục tiêu không để trường, lớp gián đoạn trong học tập ảnh hưởng đến khung chương trình năm học.
P.V: Kế hoạch tổng thể là như vậy, nhưng trong trường hợp nào thì bắt buộc phải thực hiện giãn cách và học trực tuyến, thưa ông?
Ông Phạm Việt Đức: Về nguyên tắc, trường, lớp hay địa phương nào bảo đảm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 an toàn thì mới được tổ chức học tập trung trực tiếp. Ngành Giáo dục sẽ tham mưu cụ thể với UBND tỉnh và làm việc với các địa phương để có những hướng dẫn cụ thể, áp dụng phù hợp cho từng trường hợp, nhằm bảo đảm quyền lợi công bằng cho HS.
Theo đó, đối với giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 sẽ chỉ thực hiện dạy trực tuyến, không đến lớp dạy học trực tiếp. Các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học chỉ tổ chức hoạt động dạy học 1 buổi/ngày; không tổ chức bữa ăn bán trú cho HS ở các trường bán trú, các trường phổ thông đang thực hiện ăn bán trú. Các trường phổ thông dân tộc nội trú tổ chức hoạt động nội trú bình thường.
Trong một số trường hợp cụ thể khi phải thực hiện giãn cách thì địa phương và nhà trường phải kiểm soát, truy vết, thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả, dựa trên nguyên tắc khoanh vùng, nếu phòng học, lớp học có nguy cơ hoặc có F0 mà không ảnh hưởng đến phòng học, lớp học khác thì chỉ dạy và học trực tuyến với những giáo viên, HS liên quan, hạn chế việc cho toàn trường học trực tuyến.
Chủ trương chung của ngành Giáo dục trong tình hình hiện nay là tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp, trên tinh thần linh hoạt, thích ứng, nhưng không chủ quan, không hoang mang.
P.V: Ông có thể cho biết thêm về thực trạng hoạt động dạy và học trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay và công tác tiêm vắc-xin trong toàn ngành đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
Ông Phạm Việt Đức: Tính đến ngày 18/1/2022, số cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp trong toàn tỉnh là 286/683 đơn vị (chiếm tỷ lệ 41,87%), với 98.775 trẻ em mầm non và HS phổ thông. Nếu thực tế này tiếp tục kéo dài, nhiều trường, HS phải học trực tuyến sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, nhất là khi bước sang học kỳ II và chuẩn bị cho các kỳ thi.
Về công tác phòng dịch, đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục trong toàn tỉnh đạt 99,6% và mũi 2 đạt 99,2%; tiêm vắc-xin mũi 1 cho HS lứa tuổi THPT đạt 99,6%, mũi 2 đạt 97,2%; tiêm phòng mũi 1 cho HS lứa tuổi THCS (khối lớp 7, 8, 9) đạt 99,5% và mũi 2 đạt 97,3%...
Hiện nay, ngành Giáo dục Thái Nguyên nói riêng và toàn tỉnh nói chung đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để học sinh có thể quay trở lại trường học an toàn.
Xin cảm ơn ông!