Chủ đề Năm an toàn giao thông (ATGT) 2022 là “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”. Thực hiện chủ đề này, mục tiêu được Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên đề ra là phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GT-VT), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh.
P.V: Một trong những mục tiêu của Kế hoạch Năm ATGT 2022 là phấn đấu kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí. Xin ông cho biết những giải pháp cụ thể tỉnh đã đề ra để thực hiện mục tiêu này?
Ông Lê Văn Vịnh: Phát huy kết quả trong công tác bảo đảm ATGT năm 2021, năm nay, Ban ATGT tỉnh ban hành Kế hoạch Năm ATGT, trong đó tập trung vào 8 nhóm giải pháp, trọng tâm gồm: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT; triển khai thực hiện tốt Đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt là trên mạng xã hội và hạ tầng số; tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa kết hợp phòng, chống dịch COVID-19; tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải trọng, chở khách quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy...
Mặt khác, tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động vận tải; siết chặt kỷ cương công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; quan tâm phát triển mạng lưới giao thông nông thôn. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức GT-VT, bảo đảm khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành GT-VT, Công an, Y tế, Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan.
Ban ATGT tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT, phấn đấu giảm TNGT từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí.
P.V: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn bao nhiêu điểm đen có nguy cơ xảy ra TNGT và những giải pháp nhằm bảo trì, sửa chữa và xử lý các điểm đen này như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Văn Vịnh: Hằng năm, Sở GT-VT đều báo cáo Bộ GT-VT và UBND tỉnh để bố trí kinh phí bảo trì, duy tu, nâng cấp, cải tạo nền mặt đường, hệ thống thoát nước; bổ sung hệ thống biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông để bảo đảm ATGT và giao thông thông suốt. Hiện nay, tại các tuyến quốc lộ được uỷ thác quản lý và các tuyến đường tỉnh đơn vị quản lý cơ bản đã xử lý hết các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Đối với vị trí đảo tròn Tân Long do lượng phương tiện tăng, đảo tròn không còn phù hợp, gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT, cần phải cải tạo, sửa chữa, Sở GT-VT đã có văn bản trình UBND tỉnh giao cho UBND T.P Thái Nguyên sớm bố trí kinh phí để cải tạo, sửa chữa vị trí này.
Bên cạnh đó, hằng năm, Sở GT-VT đều xây dựng kế hoạch chủ động xử lý kịp thời những vị trí sạt lở do mưa bão trên các tuyến đường; có phương án thay thế cầu bê tông, cống hộp tại các ngầm tràn hay bị ngập lụt trong mùa mưa bão. Đơn vị cũng quản lý và bảo vệ tốt hành lang giao thông, phát quang mở rộng tầm nhìn, lắp đặt các gương cầu lồi tại các vị trí đường cong, khuất tầm nhìn. Đồng thời, Sở ban hành văn bản hướng dẫn UBND các địa phương tăng cường công tác quản lý, duy tu, sửa chữa các tuyến đường do địa phương quản lý; kịp thời bố trí kinh phí xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
P.V: Xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong nhân dân nhằm góp phần kiềm chế TNGT là giải pháp mang lại hiệu quả cao. Vậy xin ông cho biết, trong năm 2022, công tác tuyên truyền để mọi người dân tham gia giao thông có văn hóa sẽ tập trung vào những nội dung gì?
Ông Lê Văn Vịnh: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tiếp tục được quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt. Trong đó, tập trung vào phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn gắn với tuyên truyền thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khi tham gia giao thông cho người dân…
Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT kết hợp phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt là tuyên truyền tại các trường học, khu công nghiệp, khu vực vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao đạo đức, nghề nghiệp cho chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe, phụ xe…
Ban cũng sẽ phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, truyền thông, các trang mạng xã hội; phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa giao thông và tổ chức các cuộc thi, giải báo chí tuyên truyền về ATGT nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân về các quy định trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Từ đó, góp phần đưa các chính sách, quy định của pháp luật vào cuộc sống…
Xin cảm ơn ông!