Để hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng

07:20, 21/03/2022

Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, trong đó có Thái Nguyên, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó những tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu, gas và tình hình thế giới… Tất cả điều này đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của tỉnh? Để làm rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh.

P.V: Trước hết, ông có thể cho biết những tác động chủ yếu nào đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) trong quý I của tỉnh?

Ông Trần Quang: Trong quý I, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rơi vào tình trạng “chồng chất khó khăn”. Đầu tiên phải kể đến những tác động nặng nề của dịch COVID-19, làm thiếu nguồn nhân lực và giảm đáng kể sức mua trong dân cư. Tiếp đến là việc tăng giá xăng, dầu, gas khiến chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây áp lực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Cùng với đó là cuộc chiến Nga - Ukraine… Tất cả đã, đang ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh và dự báo sẽ còn gây những tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng trong thời gian tới.

Tính chung quý I/2022, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho các ngành sản xuất tăng 3,32% so với cùng kỳ (trong khi 2 năm trước đó chỉ tăng dưới 1%). Trong đó, sản phẩm sắt thép tăng tới 15,74%; sản phẩm chế biến từ dầu mỏ tăng 7,6%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi tăng 2,09% so quý trước và tăng 2,12% so cùng kỳ năm trước...

P.V: Vậy theo ông, đâu là những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay? Và có hay không những điểm sáng trong tăng trưởng?

Ông Trần Quang: Những năm gần đây, tăng trưởng GRDP của Thái Nguyên chủ yếu từ nguồn đóng góp của khu vực công nghiệp (công nghiệp chiếm trên 60% trong tốc độ tăng trưởng chung). Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm hơn 90% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh), trong bối cảnh, nguồn nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và cước phí vận chuyển đều tăng, lực lượng lao động bị thiếu hụt do liên quan đến COVID-19… Tất cả đã tác động đến kết quả sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, lĩnh vực xây dựng cũng bị tác động mạnh do giá sắt, thép tăng cao.

Tuy nhiên, với “chính sách” cởi mở, tạo thuận lợi tối đa để DN hoạt động và tìm kiếm cơ hội hợp tác, cùng sự quyết liệt trong chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp…, kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục có nhiều điểm sáng. Tiêu biểu như: Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao, trong đó Tập đoàn Samsung đầu tư thêm 920 triệu USD; cùng với đó là hàng chục dự án đã và đang đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, tạo năng lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

P.V: Với những yếu tố tác động như vậy, ông nhận định ra sao về khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm nay của tỉnh?

Ông Trần Quang: Do những tác động nêu trên nên ước tính việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH quý I của tỉnh tăng thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Đơn cử như chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng khoảng 6% (trong khi kế hoạch là 9%)…

Tuy nhiên, hiện mới là nửa cuối tháng 3 nên vẫn còn khá sớm để nhận định về khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của cả năm. Trong thời gian tới, nếu dịch COVID-19 cũng như áp lực giá cả giảm, cùng với đó là sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tăng sản lượng sản xuất - doanh thu tiêu thụ của các DN nội tại, tình hình thực hiện kế hoạch cả năm của tỉnh có thể thuận lợi hơn.

Do vậy, rất cần có sự bứt phá, sự đóng góp vào tăng trưởng của các DN mới hoàn thành, tạo ra các sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp, sẽ là những động lực, điểm sáng thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm nay của tỉnh Thái Nguyên.

P.V: Cục Thống kê có những đề xuất gì với tỉnh để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, thưa ông?

Ông Trần Quang: Theo cơ quan Thống kê, trước hết, tỉnh cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch COVID-19, cũng như các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thích ứng an toàn, linh hoạt, tạo môi trường phát triển KT-XH theo mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, triển khai các giải pháp kết nối cung cầu thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các đơn vị công nghiệp trọng điểm; đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất các ngành công nghiệp, dịch vụ của các DN nội tại; có chính sách hỗ trợ, động viên DN, các dự án đầu tư vào tỉnh để tăng năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm mới trong năm 2022. Đây là những động lực quan trọng tạo "đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Khối dịch vụ cũng cần có giải pháp để các DN vượt qua khó khăn, trở lại hoạt động bình thường, nhất là đối với các nhóm ngành vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống... phấn đấu doanh thu tăng khoảng 8-10% so cùng kỳ.

P.V: Xin cảm ơn ông!