Tỉnh táo với thủ đoạn mới trên không gian mạng

07:33, 04/04/2022

Thời gian gần đây, loại hình tội phạm công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát. Phổ biến là hình thức lừa đảo mua hàng trực tuyến, mời làm cộng tác viên online hay giả mạo, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để vay, nhờ chuyển tiền. Dù đã có nhiều cảnh báo về tình trạng này nhưng không ít người vẫn “sập bẫy”. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh.

P.V: Đồng chí có thể đưa ra đánh giá về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên?

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, với xu thế số hóa ở mọi lĩnh vực đã mang đến rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, điều này cũng nảy sinh những mặt trái, trong đó có loại hình tội phạm công nghệ cao.

Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động phạm tội, có sự móc nối, câu kết giữa các đối tượng là người nước ngoài, đang sinh sống ở nước ngoài và đối tượng là người Việt Nam ở trong nước, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh.

Tại Thái Nguyên, đã xuất hiện một số vụ án, vụ việc tội phạm sử dụng công nghệ cao để xâm phạm trật tự xã hội như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức game đổi thưởng…

P.V: Qua nắm bắt tình hình, xin đồng chí cho biết những thủ đoạn phổ biến của tội phạm công nghệ cao hiện nay là gì?

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng: Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi. Phổ biến là các đối tượng khai thác thông tin cá nhân, số điện thoại của cán bộ, công chức đang làm việc tại các sở, ban, ngành; sau đó lập các tài khoản Zalo mạo danh các Giám đốc, Trưởng phòng hay Trưởng ban để kết bạn với cán bộ cùng cơ quan rồi nhắn tin vay, mượn tiền.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn tạo các ứng dụng có giao diện giống trò chơi, xổ số cho người tham gia làm nhiệm vụ kiếm tiền với cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Ban đầu, người chơi được trả thưởng đúng như cam kết, sau đó đối tượng yêu cầu nạp thêm tiền để làm nhiệm vụ với mức thưởng cao hơn rồi chiếm đoạt số tiền đó. Hay một thủ đoạn khác là thiết lập các website, diễn đàn, nhóm mạng xã hội để kêu gọi góp vốn, đầu tư tiền ảo, thương mại điện tử với cam kết trả lãi suất cao trong thời gian ngắn; khi huy động được số tiền lớn thì “đánh sập” website, đóng các tài khoản mạng xã hội và bỏ trốn.

Một thủ đoạn không mới nhưng vẫn khá phổ biến hiện nay là đối tượng lập tài khoản trên mạng xã hội để kết bạn với bị hại, sau đó cam kết việc biết trước số lô, số đề sẽ trúng thưởng. Khi bị hại phát sinh lòng tham, đồng ý mua số lô, số đề thì bị đối tượng yêu cầu chuyển tiền và chiếm đoạt.

Hoặc có thể kể đến việc sử dụng mạng xã hội, mạng viễn thông mạo danh người có công việc, quan hệ yêu cầu cơ quan, danh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách mua hàng trực tuyến với giá trị cao để ủng hộ, gây quỹ...

P.V: Thực tế cho thấy, nhiều thủ đoạn lừa đảo trên mạng không mới nhưng vẫn có người sập bẫy. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng: Nhiều thủ đoạn lừa đảo trên mạng không mới, cơ quan Công an đã phối hợp với nhiều đơn vị để tuyên truyền nhưng vẫn có người sập bẫy do xuất phát từ lòng tham, sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức, kỹ năng, khả năng sử dụng điện thoại, thiết bị thông minh tương tác trên không gian mạng và sự mất cảnh giác của bị hại. Ngoài ra, các đối tượng cũng thường thay đổi phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt hơn khiến nạn nhân tin tưởng, không phát hiện ra.

P.V: Với tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng phức tạp, cơ quan Công an có khuyến cáo gì để người dân có thể nhận biết và phòng tránh?

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng: Chúng tôi khuyến cáo người dân khi tham gia tương tác trên mạng viễn thông, internet cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng; thường xuyên cập nhật thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa khi có dấu hiệu lừa đảo.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP sử dụng một lần giao dịch chuyển tiền; không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng.

Đối với việc vay mượn tiền, cần chủ động xác minh có đúng người vay hay không bằng cách liên lạc, gọi điện hoặc gặp mặt trực tiếp. Người dân tuyệt đối không truy cập vào các trang web, đường link địa chỉ lạ, không biết rõ là gì, nguồn gốc; không cho mượn, cho thuê, bán thông tin tài khoản cho người khác để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật; nâng cao việc bảo mật thông tin cá nhân, không chia sẻ trên mạng xã hội.

Ngoài ra, cơ quan Công an khuyến khích người dân có ý thức, trách nhiệm chia sẻ, tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để cộng đồng nhận thức tốt hơn về loại hình này và có biện pháp phòng tránh.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!