5 phương thức tuyển sinh vào Đại học Thái Nguyên

07:35, 06/06/2022

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần. Năm nay, nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường sử dụng. Đối với Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) - một trong những đại học vùng lớn nhất cả nước, công tác tuyển sinh và đào tạo năm 2022 được tổ chức như thế nào? Phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐHTN về nội dung này.

P.V: Ông có thể cho độc giả Báo Thái Nguyên được biết những phương thức tuyển sinh của ĐHTN năm 2022 và chỉ tiêu đối với các ngành học hệ đại học, cao đẳng năm nay?

PGS.TS Nguyễn Hữu Công: Năm 2022, ĐHTN tuyển sinh đại học, cao đẳng theo 5 phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng dựa trên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Đề án tuyển sinh riêng; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét tuyển dựa theo kết quả học tập THPT (học bạ); xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và xét tuyển kết hợp với thi tuyển năng khiếu (đối với ngành Giáo dục Mầm non và Kiến trúc).

ĐHTN là đại học vùng, đào tạo đa ngành, vậy nên chỉ tiêu tuyển sinh năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2021. Cụ thể, năm nay, các trường thành viên tuyển sinh 135 ngành đào tạo trình độ đại học với 12.540 chỉ tiêu và 29 ngành đào tạo trình độ cao đẳng với 1.420 chỉ tiêu.

P.V: Những năm gần đây, ĐHTN tăng cường kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Vậy đến thời điểm này, đơn vị có bao nhiêu ngành được công nhận kiểm định? Và năm 2022, ĐHTN có tuyển sinh thêm ngành mới, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hữu Công: Việc kiểm định chất lượng giáo dục có ý nghĩa rất lớn với các trường đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển của các trường, nâng cao chất lượng giáo dục, khẳng định thương hiệu và thu hút người học.

Hiện nay, ĐHTN có 7 chương trình đại học đạt chuẩn quốc tế, được kiểm định bởi Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN, gồm: 2 ngành của Trường Đại học Sư phạm (cử nhân Sư phạm Toán và cử nhân Sư phạm Hóa học); 2 ngành của Trường Đại học Y Dược (bác sĩ đa khoa và cử nhân điều dưỡng); 3 ngành của Trường Đại học Nông lâm (kĩ sư công nghệ thực phẩm, kĩ sư chăn nuôi và kĩ sư chăn nuôi thú y). Ngoài ra còn có 9 chương trình đại học đạt chuẩn kiểm định trong nước, được đánh giá bởi Trung tâm Kiểm định Chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Năm 2022, ĐHTN mở mới 5 ngành, phù hợp với nhu cầu xã hội và đưa vào tuyển sinh. Đó là 3 ngành của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (gồm: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kiến trúc). Trường Đại học Khoa học tuyển sinh ngành Quản lý Thể dục thể thao. Trường Đại học Nông lâm tuyển sinh ngành Dược liệu và Hợp chất thiên nhiên.

P.V: ĐHTN nằm trong tốp 10 cơ sở giáo dục đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam. Nhiều học sinh rất quan tâm đến các chương trình tiên tiến có tính hội nhập quốc tế cao. Ông có thể cung cấp thêm thông tin để độc giả hiểu rõ hơn nội dung này?

PGS.TS Nguyễn Hữu Công: ĐHTN đã và đang hội nhập sâu rộng thông qua 252 văn bản ký kết hợp tác quốc tế với 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện, ĐHTN có 6 chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ; 11 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ; 10 chương trình tiên tiến dạy bằng tiếng Anh nhập khẩu từ một số trường đại học uy tín ở các nước, như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Australia, Philippines. Các chương trình đào tạo đại học của ĐHTN được xây dựng theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Tiêu chí xác định và triển khai các chương trình tiên tiến của ĐHTN là chương trình do các cơ sở đào tạo thiết kế, xây dựng phù hợp, được áp dụng ở trường đại học tiên tiến trên thế giới (gọi tắt là chương trình gốc).

Chương trình gốc phải được chọn từ các chương trình đào tạo của những trường thuộc nhóm 200 trường đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của các hiệp hội, tổ chức giáo dục có uy tín trên thế giới hoặc nhóm 20% những chương trình đào tạo tốt nhất trong bảng xếp hạng các ngành đào tạo của các hiệp hội, tổ chức kiểm định giáo dục cấp quốc gia hoặc quốc tế; có nội dung tiên tiến, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với năng lực triển khai thực hiện của trường đại học được áp dụng.

Đối với khoá đào tạo đầu tiên, các cơ sở đào tạo chủ yếu mời giảng viên nước ngoài giảng dạy. Từ những khoá tiếp theo, giảng viên trong nước đảm nhận việc giảng dạy chương trình tiên tiến được giao. Sinh viên theo học chương trình tiên tiến trúng tuyển vào đại học hệ chính quy; có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu học tập; tự nguyện đăng ký theo học chương trình và đóng học phí theo quy định của cơ sở đào tạo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!