“Trở thành huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2023 là mục tiêu không hề dễ dàng với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Định Hóa. Dẫu biết rằng, chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện không sờn lòng mà quyết tâm chạy đua với thời gian để về đích đúng hẹn”. Trả lời phóng viên Báo Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân, Bí thư Huyện ủy Định Hóa, khẳng định như vậy.
P.V: Nhiệm vụ trở thành huyện NTM vào năm 2023 khá đột xuất với Định Hóa, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân: Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, cũng như kế hoạch trong Đề án xây dựng NTM của tỉnh thì ban đầu Định Hóa có kế hoạch “về đích” NTM vào giai đoạn 2025-2030. Tuy nhiên, trong chuyến về thăm và dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại huyện vào cuối năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, với một địa phương có truyền thống cách mạng và đóng góp lớn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước như Định Hóa, việc sớm trở thành huyện NTM với mục tiêu nâng cao đời sống người dân là rất cần thiết. Đây chính là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Định Hóa quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa huyện “về đích” NTM vào năm 2023.
P.V: Mục tiêu đã rất rõ ràng nhưng quả thật là một thách thức không nhỏ với huyện?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân: Có thể nói, những thách thức đặt ra trong việc đưa Định Hóa về đích NTM vào năm 2023 là rất đáng kể. Xây dựng NTM là một quá trình kéo dài liên tục và phải có nhiều điều kiện hội tụ cả về nguồn lực cũng như thời gian, tuy nhiên Định Hóa hiện còn nhiều khó khăn.
Thứ nhất, xuất phát điểm kinh tế của Định Hóa ở mức thấp, kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp; tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chưa phát triển, hạ tầng giao thông và các hạ tầng khác chưa được đầu tư đồng bộ.
Huyện Định Hóa đang tập trung phát triển sản xuất nhằm nâng cao đời sống người dân. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản tại xã Trung Hội.
Thứ hai, những nhiệm vụ để xây dựng huyện đạt chuẩn NTM còn rất nhiều. Cụ thể, với tiêu chí về cấp xã, đến nay Định Hóa mới chỉ có 11/22 xã về đích NTM. Đối với tiêu chí cấp huyện, địa phương mới chỉ đạt 2/9 tiêu chí. Chúng tôi cũng chưa có xã nào đạt NTM nâng cao và còn đến 3 xã thuộc khu vực 3, 8 xã thuộc khu vực 2, 48 xóm đặc biệt khó khăn đang hưởng Chương trình 135 của Chính phủ.
Thứ 3, hình thức tổ chức sản xuất của huyện phát triển ở mức độ thấp, kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế hộ gia đình, quy mô nhỏ, năng suất thấp và tính cạnh tranh không cao. Thu nhập bình quân của người dân Định Hóa năm 2021 mới đạt 46 triệu đồng/người/năm, ở mức thấp so với các địa phương khác; tỷ lệ hộ nghèo là gần 18%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 15%, vẫn khá cao.
Một thách thức rất lớn là thời hạn “về đích” vào năm 2023. Tức là tính từ thời điểm này, chúng tôi chỉ còn chưa đến một năm rưỡi. Có thể nói, đây là khoảng thời gian rất ngắn, đòi hỏi Trung ương, tỉnh Thái Nguyên có sự quan tâm đặc biệt; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Định Hóa nỗ lực thực hiện thì mới có thể đạt được.
P.V: Thưa đồng chí, trong số những vấn đề mà đồng chí vừa nêu thì đâu là thách thức lớn nhất đối với huyện?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân: Đó là vấn đề thời gian. Như tôi đã nói, chúng tôi chỉ còn chưa đầy một năm rưỡi nữa thôi trong khi khối lượng công việc rất lớn. Chúng tôi đang phải “chạy đua” với thời gian từng ngày, từng giờ.
P.V: Vậy, để “chạy đua” với thời gian, giải pháp mà huyện Định Hóa đưa ra là gì và lộ trình cụ thể để thực hiện các giải pháp đó?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân: Mặc dù nhiệm vụ là hết sức nặng nề, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Định Hóa đã thống nhất một tinh thần, quan điểm là quyết tâm đưa huyện “về đích” đúng hẹn.
Để làm được điều này, huyện đã xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công việc cụ thể, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp. Huyện tập trung vào các giải pháp, thứ nhất là lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; thứ hai là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân tích cực tham gia; thứ ba là chúng tôi vận dụng, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, chương trình, chương trình mục tiêu quốc gia vào nhiệm vụ này.
Người dân xã Phú Đình chế biến chè.
Về lộ trình, năm 2022, chúng tôi phấn đấu đưa 5 xã “về đích” NTM; năm 2023 đưa 6 xã “về đích” NTM và 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng thời xây dựng thị trấn Chợ Chu đạt tiêu chí đô thị văn minh; hoàn thành 7/9 tiêu chí NTM cấp huyện còn lại.
P.V: Trước nhiệm vụ lớn và rất quan trọng đó, huyện luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Trung ương, của tỉnh trong xây dựng NTM. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về điều này?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân: Để đưa Định Hóa “về đích” NTM vào năm 2023 cần huy động nguồn lực rất lớn, theo tính toán sơ bộ thì cần 1.900 tỷ đồng và chỉ riêng huyện không thể thực hiện. Trước thách thức này, Trung ương và tỉnh đã tập trung cao độ hỗ trợ huyện. Trung ương hỗ trợ nguồn lực trong xây dựng các tuyến đường, kêu gọi doanh nghiệp chung tay xóa nhà dột nát, xây dựng trường học, trạm y tế…
Tỉnh sắp xếp dồn nguồn lực cho huyện thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM trong 2 năm 2022-2023. Đến nay, huyện Định Hóa đã phối hợp với Tập đoàn Sungroup tổ chức khởi công xây dựng công trình nhà khám chữa bệnh và trang thiết bị Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa với trị giá trên 50 tỷ đồng; các doanh nghiệp đang trong quá trình hỗ trợ xóa 900 nhà dột nát trên địa bàn… Đây là những tín hiệu rất vui và chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được cơ chế, hỗ trợ đặc thù nhằm giúp Định Hóa đạt được nhiệm vụ lớn này.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!