Hiện nay, tại các kho, bãi giữ xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn xe vi phạm (chủ yếu là xe mô tô). Tình trạng này không chỉ gây lãng phí về tài sản mà còn gây khó khăn trong quá trình vận chuyển, bảo quản phương tiện của lực lượng chức năng. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phan Văn Bé, Phó Giám đốc Công an tỉnh, để làm rõ hơn nội dung này.
P.V: Xin đồng chí cho biết thực trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh và số phương hiện lực lượng Công an hiện đang tạm giữ?
Thượng tá Phan Văn Bé: 6 tháng đầu năm nay, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được đảm bảo tốt, tai nạn giao thông giảm sâu ở cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người, bị thương 49 người (so với cùng kỳ năm trước giảm 10 vụ, giảm 11 người chết, giảm 4 người bị thương).
Về công tác xử lý vi phạm: Tổng số vi phạm là 17.738 trường hợp, lực lượng chức năng đã xử lý 15.277 trường hợp, phạt trên 17,4 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước; tước giấy phép lái xe 1.727 trường hợp; tạm giữ 283 xe ô tô, 2.639 xe mô tô và 31 phương tiện khác.
P.V: Với số phương tiện bị tạm giữ lớn như vậy, ngành Công an đã có những biện pháp nào để siết chặt công tác quản lý việc trông giữ tại các kho, bãi trông giữ xe vi phạm để đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ?
Thượng tá Phan Văn Bé: Trên địa bàn tỉnh có 18 kho trông giữ xe vi phạm, tai nạn, trong đó có 8 kho do Công an tỉnh quản lý và 10 kho thuê các địa điểm bên ngoài. Hiện, tổng số xe tồn đang tạm giữ tại các kho là 2.976 xe mô tô, 64 xe ô tô và 28 phương tiện khác.
Đối với những kho tạm giữ do Công an tỉnh trực tiếp quản lý, chúng tôi thường xuyên phân công cán bộ, chiến sĩ trực tiếp quản lý việc tạm giữ, bảo quản, cũng như khi tiến hành trả phương tiện theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại các kho bãi để kịp thời phát hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Đối với những kho tạm giữ thuê các tổ chức, cá nhân trông giữ, vào đầu năm, chúng tôi ký hợp đồng trông giữ phương tiện đối với những đơn vị có đầy đủ điều kiện về an ninh trật tự và an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, lực lượng Công an luôn làm tốt công tác phối hợp trong việc tạm giữ phương tiện vi phạm.
P.V: Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, nhiều phương tiện giao thông đang “đắp chiếu” tại các kho, bãi. Việc này gây hệ lụy như thế nào và đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa đồng chí?
Thượng tá Phan Văn Bé: Lượng xe tồn đọng ở các kho, bãi ngày càng nhiều do chế tài xử phạt vi phạm hành chính ngày một tăng cao, nhiều trường hợp mức phạt cao hơn giá trị của phương tiện, nên người vi phạm Luật Giao thông đường bộ không đến cơ quan chức năng để chấp hành quyết định xử phạt và nhận lại phương tiện.
Do quy định nhiều bước, thậm chí liên quan, bị chi phối, giám sát của nhiều đơn vị trong công tác thực hiện việc tịch thu phương tiện theo quy định của pháp luật, khiến việc xử lý phương tiện chậm, dẫn tới tồn đọng lâu ngày.
P.V: Vậy những giải pháp nào sẽ được triển khai để xử lý các phương tiện mà chủ bỏ không quay lại lấy để giảm tải công tác trông giữ xe vi phạm, đồng thời tránh lãng phí tài sản xã hội?
Thượng tá Phan Văn Bé: Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tăng cường việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành nhận phương tiện về để quản lý và sử dụng theo quy định, tránh tồn đọng phương tiện tại các kho tạm giữ.
Đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác tịch thu sung công quỹ Nhà nước đối với những phương tiện còn tồn đọng tại các kho tạm giữ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chức năng giảm thiểu các bước trong công tác tịch thu, làm sao để xử lý nhanh nhất việc tồn đọng phương tiện.
Xin cảm ơn đồng chí!