Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 4): Phò mã lang - Thánh Đuổm Dương Tự Minh

07:18, 11/10/2021

Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Điểm Sơn ở cách huyện Phú Lương 30 dặm về phía Tây Bắc, phía trước núi có phiến đá chỗ lên, chỗ xuống như con rồng ngóc đầu, phía dưới có hai phiến đá lớn, như hình hai con voi chầu vào. Đỉnh núi và sườn núi đều có đền”. Với thế rồng cuộn, voi chầu, từ xa xưa, núi Đuổm đã được các bậc cao nhân coi là linh sơn xứ Thái. Nơi Phò mã lang Dương Tự Minh sống an hưởng những năm cuối đời, nhân dân yêu kính suy tôn Đức Thánh Đuổm, lập đền thờ phụng, khắc ghi công lao của ông: “Quan Triều hiển thánh thiên thu tại /Động Đạt giáng trần vạn cổ hinh” (Đất Quan Triều hiển thánh nghìn thu/Động Đạt có thánh giáng trần quanh năm ngát hương).

Tên chữ Phú Lương có từ thời Lý, là một phủ rộng lớn, bao gồm toàn bộ phần đất các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng ngày nay, gắn với tên tuổi danh nhân người Thái Nguyên nổi tiếng qua mọi thời đại: Phò mã lang Dương Tự Minh. Lịch sử ghi nhận, Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh ra ở làng Quan Triều (nay là phường Quan Triều, T.P Thái Nguyên). Vào thế kỷ XII, ông làm thủ lĩnh phủ Phú Lương, trải qua ba đời vua nhà Lý: Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông và Lý Anh Tông.

Huyền sử kể: Thời Lý, dưới chân núi Đuổm có một bản tên là bản Doanh, đó là nơi hưu trí của vợ chồng một viên quan châu mục từng nổi tiếng một thời. Viên quan châu mục họ Dương, một dòng tộc đầy thế lực của người Tày ở vùng phủ Phú Lương. Năm ông bà 70 tuổi mới sinh cậu con trai. Lúc bà sinh con, bỗng thấy túp lều sáng rực, ánh sáng ấy như tỏa ra từ đứa con trai. Do đó ông đặt tên con là Tự Minh.

Năm Dương Tự Minh ngoài 20 tuổi, trong vùng bọn phỉ tặc hoành hành cướp phá, dân tình vô cùng khốn khổ. Dương Tự Minh thành lập đội dân binh, hàng trăm trai tráng trong vùng nô nức gia nhập đội. Đội dân binh do Dương Tự Minh chỉ huy đã chặn được sự hung hãn của bọn phỉ tặc, làng bản trở lại yên bình. Dưới chế độ “ngụ binh ư nông”, những đội quân của Dương Tự Minh không chỉ là lực lượng chủ lực của triều đình nơi biên ải, mà còn là lực lượng lao động tạo nên sự trù phú no ấm cho cả một vùng rộng lớn. 

Vào năm Đinh Mùi (1127) vua Lý Nhân Tông mời Dương Tự Minh về triều ban thưởng của cải và gả con gái là công chúa Diên Bình cho và phong cho chức Châu mục vùng Thượng Nguyên và trấn trị cả phủ Phú Lương rộng lớn, một vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc bảo vệ biên cương đất nước. Năm Đại Định thứ 5 (1144) có kẻ yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng sang châu Tư Lang, tự xưng là Triệu tiên sinh nói là vâng mệnh đi sứ để dụ dỗ nước An Nam. Các khe động dọc biên giới có nhiều người theo, Đàm Hữu Lượng đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Uyên. Dương Tự Minh xin được gặp nhà vua để xung phong ra chiến trường diệt giặc cứu nước.

Các thành viên Câu lạc bộ tìm hiểu lịch sử của Trường THPT Phú Lương trải nghiệm thực tế tại Di tích lịch sử Đền Đuổm. Ảnh: T.L

Đích thân nhà vua trao cho ông thanh Thượng phương bảo kiếm và phong cho chức Đô đốc Thống binh, giao cho 3 vạn binh mã cùng văn thần Nguyễn Như Mai, Lý Nghĩa Vinh đi tiên phong cự chiến. Dương Tự Minh chia quân thành hai đạo, trận chiến diễn ra theo thế gọng kìm, quân Lý tiến công như vũ bão và giết chết Đàm Hữu Lượng. Sau khi dẹp yên giặc, Dương Tự Minh cho củng cố lại các vùng biên ải, ổn định tinh thần nhân dân, rồi dẫn đoàn quân chiến thắng về kinh đô. Vua Lý sai các quan đại thần ra khỏi thành đô 10 dặm để đón, nhân dân khắp các bản làng, phố thị mở hội khao quân. Vua Lý Anh Tông thiết triều ban yến và tác thành Dương Tự Minh cùng công chúa Thiều Dung tài sắc vẹn toàn. Sau đó ông cũng được điều về kinh thành Thăng Long phò vua giúp nước.

Tháng 9-1138, vua Lý Thần Tông băng hà lúc 23 tuổi, hoàng thái tử Thiên Tộ nối ngôi báu khi đó mới 3 tuổi, hiệu là Anh Tông Hoàng đế, tôn mẹ là Hoàng hậu Lê Thị Cẩm làm Thái hậu. Lê Thái hậu lại tư thông với Thái úy Đỗ Anh Vũ, nên Vũ được thể ra vào cung cấm, kiêu ngạo và khinh rẻ đình thần, ức hiếp vua, uy hiếp quan lại trong triều. Năm Đại Định thứ 11 (1150), các tướng lĩnh chỉ huy các đội quân cấm vệ, một số thân vương như Vũ Đái, Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc và Phò mã Dương Tự Minh thấy Đỗ Anh Vũ lộng quyền quá độ, lo trừ đi. Việc bại lộ, tất cả bị Anh Vũ giết hại, Phò mã Dương Tự Minh bị bắt đi lưu đày, ông sống những năm tháng cuối đời ở chân núi Đuổm và mất ở đây.

Trong dân gian còn lưu truyền rằng, khi trở về quê, ông cởi bỏ quần áo quan lại, xuống dòng sông Phú Lương tắm để trút bỏ hết bụi trần, sau đó ông mặc lên mình bộ quần áo chàm xanh của người Tày rồi cưỡi ngựa bay về trời. Nhà Lý sau này truy phong ông làm Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc phong là Thượng đẳng thần, còn nhân dân thì tôn ông làm Đức Thánh, xây đền thờ ở làng Đuổm mà sau này được gọi là đền thờ Đức Thánh Đuổm. Tưởng nhớ công đức của đức Thánh Đuổm, không chỉ nơi Điểm Sơn mà suốt một dải Thượng tự Đu Đuổm, hạ chí Lục Đầu giang, nhân dân yêu kính, tôn thờ vị Thượng đẳng phúc thần Dương Tự Minh.

Đền Đuổm được xây dựng năm 1180 vào thời Lý Cao Tông, dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, cạnh Quốc lộ 3 (Thái Nguyên - Bắc Kạn), cách T.P Thái Nguyên 25km về phía Tây Bắc, từ lâu đã có tiếng linh thiêng. Đây là nơi thờ tự chính Dương Tự Minh. Dưới tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi là ba ngôi đền tôn nghiêm (thờ phủ Bà, Dương Tự Minh và thờ Mẫu), phong cảnh hữu tình, nhiều ngọn núi đá tự thiên.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Đuổm cho biết: Hơn 800 năm qua, lễ hội Đền Đuổm diễn ra vào ngày 6-8 tháng Giêng Âm lịch để tưởng nhớ công ơn vị Anh hùng dân tộc, cầu mong Đức Thánh Đuổm ban cho một năm mới mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu, no ấm được duy trì. Trong lễ hội có lễ dâng hương, lễ rước Đức Thánh và Lễ đọc văn tế tôn vinh cực kỳ long trọng. Lễ hội Đền Đuổm rất đông du khách thập phương đến dự. Đây là lễ hội quan trọng của chính quyền và nhân dân huyện Phú Lương cũng như đối với các đơn vị hành chính kế cận. Đền Đuổm là một điểm sáng về du lịch của huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên không chỉ trong dịp Tết mà cả những thời điểm quan trọng khác của năm.

Trên cả một vùng rộng lớn từ Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, có nhiều nơi dựng đình, miếu thờ Đức Thánh Đuổm. Ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, Đình thờ thành hoàng là Dương Tự Minh gồm có: Đình Ngọc Tân và Đình Ngọc Thành của xã Ngọc Sơn, Đình Thắng Núi xã Đức Thắng, Đình Vạn Thạch xã Hoàng Vân, Nghè Đề Thám thuộc làng Trản, xã Hoàng Thanh. Ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên) có Đình Kha Sơn Thượng, thuộc xóm Tây Bắc, xã Kha Sơn là đình đã được xếp hạng di tích lịch sử. Đình này thờ thành hoàng là Dương Tự Minh.

Những làng thờ thành hoàng là Đức Thánh Đuổm cũng thường mở hội lớn suốt 3 ngày vào dịp đầu xuân, lễ rước trang trọng. Ngoài ra, tên ông cũng được đặt tên cho một con đường ở T.P Thái Nguyên để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao. Cốt cách lớn của bậc thánh nhân Dương Tự Minh là: Trung nghĩa, yêu nước, thương dân; giỏi cai trị, biết thu phục nhân tâm, an dân, phát triển văn hóa, kinh tế, giữ vững ổn định và bảo vệ vững chắc cả một vùng biên cương rộng lớn của đất nước. Ông được nhân dân nhiều nơi yêu mến kính phục, được triều đình nhà Lý tin cậy. Lễ và hội Đuổm và tất cả những nơi có thờ tự ông đều diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết như là sự ghi nhớ, tiếp nối những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, tri ân ngưỡng vọng về một vị danh tướng, một phò mã áo chàm nổi danh trong lịch sử hào hùng nước nhà. 

Đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương khẳng định: “Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh là niềm tự hào của quê hương Phú Lương. Quần thể Khu Di tích văn hoá tâm linh Núi Đuổm sẽ tiếp tục được đầu tư, mở rộng để xứng với tầm vóc lịch sử…” 
Dương Tự Minh đã để lại trên mảnh đất Phú Lương một sự nghiệp lẫy lừng, là động lực cổ vũ cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân. Trên mảnh đất này, cộng đồng các dân tộc đang tiếp tục giữ gìn, phát huy và tạo dựng những giá trị mới cho quê hương.

(Còn nữa)