An toàn khu (ATK) Thái Nguyên cùng với ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn) và ATK Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) là các địa danh đã được in đậm trong những trang sử vàng của dân tộc; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và nhiều cơ quan của Trung ương ở và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi vẻ vang.
Dưới những tán rừng ATK, trong đó có nhiều địa danh thuộc Thái Nguyên, từ những căn lán đơn sơ ấy, nhiều quyết sách lịch sử đã ra đời, quyết định các bước phát triển của cách mạng dân tộc. Ở phần này, chúng tôi xin điểm qua một số quyết sách quan trọng đó.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trước dã tâm trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp, cùng với nỗ lực ngoại giao để bảo vệ hòa bình, độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã có tầm nhìn chiến lược sáng suốt khi chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng bước vào giai đoạn kháng chiến lâu dài: Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi.
Các tỉnh Việt Bắc, trong đó trọng tâm là Thái Nguyên có địa thế hiểm trở, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, có cơ sở đảng và cơ sở quần chúng vững mạnh từ trước nên được Bác Hồ, Trung ương Đảng lựa chọn làm ATK, trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến. Cũng ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ đã được Trung ương phân công ở lại Việt Bắc để củng cố căn cứ địa. Đến cuối tháng 10-1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ kháng chiến…
Ngày 20/5/1947, sau một hành trình dài bí mật và đầy gian nan, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 8 cán bộ, chiến sĩ giúp việc đến đồi Khau Tý (thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa ngày nay). Người ở trong một căn lán nhỏ đơn sơ được các cán bộ Việt Minh xã gấp rút dựng lên, trong sự che chở, đùm bọc của nhân dân các dân tộc Định Hóa. Tại “Phủ Chủ tịch” đầu tiên ở Việt Bắc, trong bộn bề công việc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu bước vào giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.
Bà Lê Minh Phương (là vợ nhà lão thành cách mạng Tạ Quang Chiến), từng là Phó Bí thư Đoàn Phụ nữ Cứu quốc huyện Định Hóa, có lần kể lại: Tại lán Khau Tý, Bác viết, đánh máy trên một chiếc bàn ghép bằng cây vầu. Bác thường cắm cúi đọc, viết quên cả ăn, có khi 1-2 giờ đêm mới tắt đèn. Mãi sau này khi được Người đọc cho nghe bản thảo, mọi người mới biết Bác viết “Sửa đổi lối làm việc”. Bác hỏi: Các cô, chú thấy thế nào, có dễ hiểu không? Có góp ý gì cứ mạnh dạn phát biểu…
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” ra đời trong bối cảnh đó, gồm 6 vấn đề lớn về xây dựng Đảng, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc; thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân kháng chiến, kiến quốc; khẳng định phải sửa đổi lối làm việc của Đảng cả về tư tưởng, tổ chức, bộ máy, cách làm việc của cán bộ, đảng viên để đưa cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi; cần “có gan” nhìn thẳng vào những sai lầm, khuyết điểm để tự phê bình, sửa chữa, để có biện pháp, cách thức làm việc khéo hơn, đúng hơn… Đến nay, những quan điểm, tư tưởng của Người trong “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta và đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc trong mọi giai đoạn phát triển của Đảng, của dân tộc.
Cuối năm 1947, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cam go hơn, thực dân Pháp huy động hơn 1 vạn quân chính quy mạo hiểm tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta để sớm kết thúc chiến tranh. Tối 7-10-1947, cũng tại lán Khau Tý đơn sơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội ý với các đồng chí Thường vụ Trung ương đến nhận định rõ tình hình và âm mưu của địch.
Ngay ngày hôm sau, Người ra Lời kêu gọi bộ đội, dân quân du kích cùng đồng bào cả nước ra sức đánh giặc, bảo vệ căn cứ kháng chiến. Ngày 14/10/1947, tại Phụng Hiệp (thuộc xã Điềm Mặc ngày nay), Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh để thông qua Chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp”. Với đường lối đúng đắn, kịp thời này và sự chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, đến cuối tháng 12-1947, toàn bộ quân Pháp phải rút khỏi Thái Nguyên. ATK được giữ vững, tiếp tục được củng cố và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Đoàn Thanh niên và học sinh xã Bản Ngoại (Đại Từ) tổ chức vệ sinh điểm di tích lịch sử đồi Thành Trúc, ở xóm Đầm Mua, nơi Bác Hồ từng ở và làm việc từ tháng 8 đến tháng 10-1954. Ảnh: T.L
Cũng trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến gian nan và đầy vẻ vang ấy có một sự kiện rất quan trọng diễn ra tại ATK Định Hóa, đó là ngày 20/1/1948, tại “Phủ Chủ tịch” - căn lán mái lá cọ ở Khuôn Tát (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng cho các cán bộ chỉ huy cốt cán của Quân đội. Đến ngày 28-5 cùng năm, buổi Lễ thụ phong được tổ chức trang trọng và nhiều cảm xúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố khi phong quân hàm cho đồng chí Võ Nguyên Giáp: Nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao cho chú chức vụ Đại tướng , để chú điều binh khiển sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…
Tiếp theo bước trưởng thành, tiến lên chính quy của Quân đội ta, hơn 1 năm sau, tháng 8-1949 tại thị trấn Đồn Đu (nay là thị trấn Đu, huyện Phú Lương), Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong), đại đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của Quân đội ra đời và sau đó liên tiếp lập nhiều chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến… Rõ ràng, trong lịch sử vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng có những mốc son là các sự kiện rất quan trọng diễn ra tại ATK Thái Nguyên như thế.
Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiếp tục chuyển biến theo hướng có lợi cho ta, lực lượng vũ trang chính quy không ngừng lớn mạnh. Trước tình hình đó, tháng 6-1950 tại ATK Định Hóa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu – Đông (mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II). Tại cuộc họp quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại. Sau đó, Người đích thân ra mặt trận chỉ đạo Chiến dịch. Chỉ sau gần 1 tháng quân ta tiến công, bao vây, truy kích và diệt viện, Chiến dịch thu được đại thắng, khu vực biên giới với gần 40 vạn dân được giải phóng; căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trước những biến chuyển nhanh của tình hình chiến sự trên các mặt trận, cuối tháng 9-1953, tại Tỉn Keo (xã Phú Đình), Bộ Chính trị họp bàn và xác định chủ trương chiến lược trong Đông - Xuân 1953-1954; ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Đến ngày 1/1/1954, cũng tại Tỉn Keo, Bộ Chính trị đã chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc quyết chiến với kẻ thù. Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu.
4 ngày sau, từ Định Hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đến mặt trận Điện Biên Phủ. Trước khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh; không chắc thắng, không đánh. Và quân, dân ta dưới sự chỉ huy của vị tướng tài ba đã làm nên chiến thắng Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến gian nan, trường kỳ và vô cùng anh dũng của dân tộc.
Cùng với những quyết sách tạo ra các bước ngoặt trên mặt trận quân sự để cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, cũng tại ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong việc hoàn thiện bộ máy Nhà nước cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp; chính sách phát triển đất nước khi hòa bình lập lại; đặt nền móng cho nền ngoại giao…
Có thể kể đến các sắc lệnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký như: Sắc lệnh về kiện toàn các Ủy ban Kháng chiến, thành lập Sở Thương binh, Cựu binh khu và tỉnh; ấn định các nguyên tắc căn bản của doanh nghiệp quốc gia; Sắc lệnh về việc bầu lại hội đồng nhân dân xã; thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao và nhiều và nhiều chủ trương quan trọng khác. Cũng tại ATK Thái Nguyên, Người đã đón tiếp nhiều vị khách quốc tế quan trọng, đặt nền móng và tiếp tục mở rộng mặt trận ngoại giao trong vòng vây của kẻ thù…
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi ATK Thái Nguyên hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang với vai trò là Thủ đô kháng chiến, nơi ra đời những quyết sách lịch sử tạo các bước ngoặt cho cách mạng. Những đóng góp rất quan trọng và đáng tự hào của các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân Thái Nguyên cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mãi mãi được lịch sử khắc ghi. Chúng tôi xin khép lại bài viết bằng một đoạn trích trong lời phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Thái Nguyên ngày 8/2/1989: “Từ núi rừng hiểm trở của đất Thái Nguyên, mọi kế sách của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng vạch ra. Tuy khó khăn gian khổ nhưng đã được nhân dân ta dần dần vượt qua từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
(Còn nữa)