Thời gian gần đây, vấn đề bảo vệ tài nguyên khoáng sản (TNKS) được dư luận đặc biệt quan tâm. Tại diễn đàn kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã đặt một số câu hỏi liên quan đến nội dung này, trong đó đáng chú ý là vấn đề thanh, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trong phạm vi cả nước. Còn với tỉnh Thái Nguyên, Tỉnh ủy cũng vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý Nhà nước về TNKS.
Ảnh minh họa |
Trong phiên chất vấn ngày 4-6 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Lý Văn Huấn đã nêu vấn đề, cần tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra mới có thể phát huy hết hiệu quả quản lý trong lĩnh vực TNKS. Đồng thời, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là có dấu hiệu vi phạm hình sự trong lĩnh vực này và có các giải pháp siết chặt quản lý thời gian tới. Vì sao đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng nội dung này? Cũng dễ hiểu bởi 5 năm qua, sau khi Bộ chủ quản tiến hành hàng chục cuộc thanh, kiểm tra trên phạm vi cả nước, đã phát hiện, xử lý 258 tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về TNKS. Trong đó, phổ biến là tình trạng chủ mỏ sai phạm về công suất cho phép, khai thác ngoài ranh giới được cấp, khai thác không đảm bảo điều kiện an toàn và yêu cầu bảo vệ môi trường; vẫn còn tình trạng khai thác trái phép ở nhiều địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây, công tác quản lý TNKS được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn xuất hiện và ngày càng tinh vi, nhất là khai thác đất san lấp và cát, sỏi xây dựng. Đã có thời gian, huyện Phú Bình và Đồng Hỷ là "điểm nóng" của tỉnh về khai thác đất trái phép do nhu cầu san lấp tăng cao, việc cấp phép mỏ còn chậm, khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây, dấu hiệu khai thác cát, sỏi trái phép tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở ở sông Công khiến dư luận không khỏi bức xúc. Tình trạng khai thác lậu cát, sỏi vùng giáp ranh với tỉnh bạn trên lưu vực sông Cầu ở huyện Phú Bình, TP. Phổ Yên cũng chưa thể chấm dứt triệt để…
Đó là những vấn đề đáng quan tâm trong phạm vi cả nước, cũng như đối với tỉnh Thái Nguyên. Vì thế, Chỉ thị số 28-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành mới đây về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý Nhà nước về TNKS một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ TNKS và những yêu cầu, giải pháp cấp thiết trong chỉ đạo quản lý TNKS. Chỉ thị nêu rõ: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các đơn vị chủ động, thường xuyên nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về TNKS; phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm. Đơn vị, địa phương nào buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra vi phạm hoặc không cương quyết, chậm xử lý sau khi phát hiện thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Tuyệt đối không để xảy ra trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm.
Chỉ thị cũng yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản; xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khoáng sản; tăng cường quản lý thuế, phí, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; xử phạt nghiêm các trường hợp khai thác vượt công suất, vượt phạm vi khu vực được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường, vận chuyển khoáng sản trái phép, vượt quá tải trọng và không có nguồn gốc... Kiên quyết đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin