Thả diều gây hậu quả có thể bị xử lý hình sự

Nguyễn San 14:52, 13/06/2024

Những năm gần đây, tình trạng người dân ở một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên có thói quen thả diều gần các trạm biến áp, lưới điện cao áp gây chập cháy, sự cố nguồn điện vẫn diễn ra phổ biến. Mặc dù không ít trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Theo quy định của pháp luật, trường hợp thả diều gây chập điện ở mức nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính, ở mức nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Báo cáo mới nhất của Điện lực TP. Phổ Yên, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 11 trường hợp mất điện do người dân thả diều gây sự cố nguồn điện, làm gián đoạn cung cấp điện sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Trước đó, năm 2021, Phổ Yên từng là địa phương để xảy ra số sự cố nguồn điện cao nhất của tỉnh, với trên 80 vụ, trong đó có 35 vụ liên quan đến thả diều, chiếm trên 43%.

Mới đây, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (tại Khu công nghiệp Yên Bình - TP. Phổ Yên) đã phải có văn bản kiến nghị với tỉnh về việc thường xuyên bị thiệt hại trong sản xuất do nguồn điện áp không ổn định. Nguyên nhân một phần được xác định là do người dân thả diều vướng vào dây điện cấp cho Khu công nghiệp gây chập điện.

Không riêng có Samsung, một số doanh nghiệp khác tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình cũng phản ánh về tình trạng tương tự.  

Không chỉ tác động đến nguồn điện, mà việc thả diều còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân. Còn nhớ, tháng 4-2020, cũng tại TP. Phổ Yên, anh Đ.V.T, công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã gặp tai nạn do bị dây diều cuốn vào cổ khi đang di chuyển trên đường. Rất may mắn, anh T. chỉ bị rách một vết dài ở cổ mà không ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngay như năm ngoái, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên), anh N.H.T cùng gia đình đi dạo bất ngờ bị dây diều do người dân thả tại Quảng trường cuốn vào cổ làm bị thương nhẹ. Ngoài ra, có trường hợp do bất cẩn bị điện giật khi gỡ diều mắc vào dây điện, gây tai nạn…

Để không còn tình trạng thả diều gây sự cố điện áp và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu ngành Công Thương, Công ty Điện lực Thái Nguyên và các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, trung áp; biện pháp đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cũng như các chế tài xử phạt vi phạm.

Tích cực tuyên truyền về mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi vi phạm an toàn hành lang lưới điện, nhất là với trẻ em. Tăng cường khuyến cáo người dân không được thả diều, vật bay gần hành lang, các công trình lưới điện. Diều hoặc vật bay vướng vào dây điện đang vận hành có thể gây chập, cháy nổ dẫn tới gián đoạn cung cấp điện, thiệt hại về kinh tế, đồng thời có nguy cơ gây nguy hiểm tính mạng cho con người, thậm chí ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Cần phổ biến rộng rãi khuyến cáo của ngành Điện về việc nghiêm cấm người dân tự ý trèo lên cột điện, trạm biến áp, dùng sào gỡ diều khi bị vướng vào đường điện. Nếu để xảy ra trường hợp vướng diều vào dây điện, cần phải báo ngay cho đơn vị quản lý điện để xử lý, tránh nguy cơ tai nạn.

Tỉnh cũng yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong bảo vệ an toàn lưới điện.

Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với an toàn lưới điện, quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với trường hợp thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện. Còn theo Điều 314, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực sẽ bị xử lý hình sự nếu thả diều làm mất an toàn lưới điện, gây hậu quả nghiêm trọng làm chết người hoặc thiệt hại lớn về tài sản…