Huyện Phú Bình hiện có 20 xã, thị trấn thì có đến 15/20 xã có chợ phiên hoạt động. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các phiên chợ, mặc dù hàng hóa được bày bán đa dạng, phong phú nhưng hiện nay chợ phiên không còn đông đúc, tấp nập người mua - bán như trước.
Người dân mua - bán hàng tại chợ Hanh, xã Điềm Thụy. |
Nhắc tới chợ phiên của huyện Phú Bình, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một số chợ, như: Hanh (Điềm Thụy); Cầu (Nhã Lộng); Đồn (xã Kha Sơn); Tân Đức (xã Tân Đức); Tân Khánh (xã Tân Khánh)… Những mặt hàng được bày bán nhiều nhất là các loại rau, con giống gà, vịt...; “quà quê”, như: Bánh đa nướng, chè thập cẩm, bánh tẻ, bỏng ngô… với giá cả phải chăng.
Khi dịch COVID-19 chưa bùng phát và lây lan trên diện rộng, những phiên chợ ở Phú Bình được thương lái, người dân địa phương ở một số huyện, thành phố lân cận, như: Đồng Hỷ, Phổ Yên, TP. Thái Nguyên… và tỉnh Bắc Giang đến trao đổi hàng hóa, thì nay nhiều gian hàng trong các phiên chợ bị bỏ trống, người đi chợ thưa vắng.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Ban Quản lý chợ Đồn (xã Kha Sơn), bày tỏ: Chợ Đồn được hình thành từ khá lâu, với diện tích khoảng 1ha. Chợ họp vào các ngày mùng 1, 3, 6, 8, 11, 13, 16, 18, 21, 23, 26, 28 và 31 Âm lịch. Trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, trung bình 1 phiên chợ có khoảng 100 tiểu thương bán hàng cố định, trong đó có đến 50% số tiểu thương ở tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, khoảng hơn 2 năm trở lại đây, các tiểu thương đến bán hàng tại chợ giảm chỉ còn khoảng 1 nửa, người dân đi chợ cũng ít hơn trước nhiều.
Ông Trung Văn Tiến, tiểu thương bán hành, tỏi ở chợ Đồn, chia sẻ: Tôi bán hàng ở đây đã 20 năm. Tôi thấy càng ngày các tiểu thương càng ít đi. Người đi chợ cũng không còn tấp nập như xưa. Trước đây, trung bình 1 ngày tôi có thể bán được từ 6-8 triệu tiền hàng thì nay chỉ bán được khoảng 3 triệu tiền hàng/ phiên, lãi cũng chẳng được là bao.
Không chỉ chợ Đồn mà các chợ hoạt động theo phiên trên địa bàn huyện Phú Bình đều trong cảnh tương tự. Chị Dương Thị Thịnh, tiểu thương bán hàng tại chợ Hanh (xã Thượng Đình), buồn rầu nói: Tôi bán hàng quần áo ở chợ được 5 năm nay. Trước đây, khi hàng quán bán dọc đường chưa nhiều, mỗi lần tan ca, công nhân ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp thường vào chợ mua hàng. Mỗi phiên, tôi bán được vài triệu đồng tiền hàng. Khoảng 2 năm trở lại đây, vừa do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cộng thêm công nhân, người dân tiện mua hàng ở các shop, cửa hàng dọc đường nên tôi bán hàng chậm hơn nhiều.
Chợ phiên không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi thể hiện rõ nét văn hóa vùng miền, trở thành một nét sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân. Bà Dương Thị Hà, ở xóm Nguyễn, thị trấn Hương Sơn, cho hay: Mặc dù gần nhà tôi có chợ Úc Sơn nhưng tôi thường hay đi các phiên chợ ở xã Kha Sơn và Tân Đức vì tại đây tôi có thể mua nhiều loại mặt hàng theo nhu cầu với giá cả hợp lý. Hơn thế, mỗi lần đi chợ, tôi lại được gặp người quen để hàn huyên, chia sẻ những câu chuyện vui trong cuộc sống…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin