Hơn 42 năm công tác, đến khi được nghỉ hưu, tôi có trên 31 năm gắn bó với tờ báo của Đảng bộ tỉnh nhà. Thời gian ấy để lại trong tôi biết bao kỷ niệm vui, buồn không thể nào quên. Nhân dịp Báo Thái Nguyên bước vào tuổi 60, tôi xin kể vài kỷ niệm với một số đồng nghiệp mà đến nay người còn, người khuất, vẫn cứ hiện về rõ từng khuôn mặt.
Họa sĩ Đặng Thanh Thụ (ngồi ngoài cùng bên phải) trình bày báo tại Tòa soạn (năm 1983). Ảnh: T.L |
Với bác Khiếu Minh Tòng (Đã mất): Tháng 6-1976, do giải thể Khu tự trị Việt Bắc, vợ chồng tôi và một số cán bộ, phóng viên của Báo Việt Nam Độc lập được chuyển về Báo Bắc Thái. Lúc đó, bác Khiếu Minh Tòng là Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Trưởng ty Văn hóa - Thông tin được tỉnh điều sang làm Tổng Biên tập Báo Bắc Thái.
Một buổi trưa hết giờ làm việc, bác Tòng nhà ở xa không về, gọi tôi đến phòng uống nước. Trong câu chuyện tâm tình, bác nói: Anh em ở báo Khu mới về, tôi chưa nhớ hết, nhưng biết anh là người duy nhất được học ở trường báo, thật quý quá... Cứ thế, bác Tòng nói chuyện hết sức chân thành.
Tôi nhớ mãi điều bác nói: Cơ quan ta nghèo lắm, nội bộ lại hết sức phức tạp, một số mắc sai lầm, khuyết điểm bị kỷ luật, tôi lo lắm anh ạ. Vấn đề bây giờ là xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, tin tưởng và ủng hộ lẫn nhau để làm việc... Lúc ấy tôi chỉ là phóng viên và đảng viên trẻ, lại “chân ướt, chân ráo” về cơ quan nên không dám tham gia cụ thể với bác điều gì. Tôi chỉ nói: “Bác cứ yên tâm, anh em về đây sẽ đồng cam cộng khổ, xây dựng cơ quan tốt hơn”…
Từ buổi trưa hôm đó, tôi suy nghĩ rất nhiều về những việc bác Tòng nói và tự xác định: Phải luôn hướng thiện, ủng hộ, bảo vệ cái đúng và có ý thức trách nhiệm trước mọi công viêc. Có lẽ vì thế mà khi nghỉ hưu, bác Khiếu Minh Tòng vẫn đến thăm tôi và hay nhắc chuyện cũ như là bài học của người lãnh đạo.
Với bác Đặng Thanh Thụ (Đã mất): Không biết bác Đặng Thanh Thụ làm Báo Việt Nam Độc lập được bao nhiêu năm, nhưng khi Báo giải thể, bác được điều về công tác tại Báo Dân (tỉnh Bình Trị Thiên) vì quê bác ở Huế. Lúc đó, bác đã phải bán chiếc xe đạp Thống Nhất được phân phối mới có tiền về quê.
Sau gần 3 năm làm việc tại tờ báo Dân trong đó, do gặp nhiều khó khăn, các con còn nhỏ, vợ sức khỏe yếu, không đủ sức gánh vác, lo toan việc gia đình nên bác Thụ phải xin quay ra và về công tác tại Báo Bắc Thái (nay là Báo Thái Nguyên). Thế là tôi với bác lại cùng làm việc bên nhau như hồi còn ở Báo Việt Nam Độc lập. Bác là họa sĩ chuyên trình bày báo, ít nói nhưng chịu khó, làm việc cần cù không ai sánh kịp.
Vào những năm 1970-1980, công việc của tôi luôn gắn bó với bác Thụ. Cứ mỗi số báo, bác trình bày xong, đưa duyệt rồi chuyển ma két vào Nhà in sắp chữ, chờ sửa mo rát và đem về duyệt lần cuối mới được in. Ngày nào cũng như ngày nào, bác đi lại như con thoi với chiếc xe đạp “cà tàng” mà không phàn nàn bao giờ. Có lần thấy bác vừa ngồi ăn trưa bằng sắn luộc vừa vẽ tranh minh họa cho bài báo, tôi nói đùa: “Sao sếp không vẽ bánh bao ăn ngon hơn ăn sắn?”, bác chỉ cười…
Bây giờ, mỗi lần đến Tòa soạn, thấy anh Đặng Thanh Hạnh, họa sĩ trình bày báo, tôi lại càng nhớ bác Đặng Thanh Thụ đã để lại người con trai nối nghiệp cũng làm việc say sưa, cần cù hết mình vì tờ báo như bác.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin