Tổng kết phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2019-2022, xã Bình Long (Võ Nhai) có 978 gia đình đạt tiêu chí sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Với vùng đất khó khăn như Bình Long, đó là một con số ấn tượng trên suốt hành trình xóa, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ, hội viên Hội Nông dân xã Bình Long (Võ Nhai) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chè chất lượng cao. |
Ông Đàm Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Long cho biết: Toàn xã có 1.547 hộ, trong đó có 240 hộ nghèo, 160 hộ cận nghèo. Thời gian qua, Hội Nông dân luôn đồng hành, hỗ trợ cho bà con vươn lên, thể hiện rõ nhất thông qua phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Phong trào xóa bỏ được tư tưởng cố hữu, an phận với suy nghĩ làm “đủ ăn, đủ tiêu”, đồng thời kích thích tư duy làm kinh tế nông nghiệp trong nông dân, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ông Đàm Quang Minh ở xóm Hiên Bình nói: Trước đây nông dân chúng tôi chỉ trồng ngô, cấy lúa, chăn nuôi thêm vài con lợn, gà nên cuộc sống gia đình chỉ đủ ăn. Từ 3 năm gần đây, tôi đầu tư chăn nuôi gà thả ngoài vườn đồi, có nhiều tư thương vào tận nhà đặt mua theo thỏa thuận, trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh tôi còn lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
Từ trục tỉnh lộ 242 - tuyến đường Đình Cả - Bình Long nối liền sang Hữu Lũng (Lạng Sơn) nhìn bốn phía thấy từng dải núi ôm lấy vùng đất Bình Long. Tôi nhận ra ở vùng này, đất đai rộng rãi nhưng không là cánh đồng phì nhiêu cho cây khoai, cây lúa.
Để giúp người dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hướng đến sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, đã hàng chục năm nay các thế hệ cán bộ, lớp sau theo lớp trước mang các chương trình, dự án của Nhà nước về chuyển giao cho bà con. Nhờ đó, nông dân từng bước được nâng cao trình độ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất đang sống.
Trong thời gian 3 năm gần đây, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 16 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất mới, tiên tiến cho hơn 800 lượt hội viên nông dân.
Cùng với đó là hàng trăm mô hình, hội thảo đầu bờ về ô mẫu lúa, ngô, đậu tương giống mới, chè lai; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài trang bị cho nông dân kiến thức khoa học, Hội phối hợp với Chi nhánh vật tư nông nghiệp huyện cung ứng phân bón trả chậm cho bà con hơn 450 tấn đúng khung thời vụ.
Thông qua 7 tổ tiết kiệm vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho 169 lượt hội viên vay với tổng dư nợ hơn 7,6 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp giải ngân cho gần 200 lượt hộ vay, với tổng dư nợ hơn 14 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân cho 10 gia đình hội viên nông dân tại 2 xóm Đồng Thắng và Đại Long với tổng vốn 500 triệu đồng để thực hiện dự án “Cải tạo, chăm sóc, chế biến chè”.
Ở Bình Long hôm nay, đất đai không còn là chỗ để cỏ dại mọc. Hầu hết các vạt đồi, bãi soi đều được nông dân khai thác trồng rừng, trồng cây ăn quả, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi hoặc làm bãi chăn thả gia súc, gia cầm.
Hiện toàn xã có hơn 550 con trâu, bò; hơn 600 con dê; hơn 2 nghìn con lợn và gần 40 nghìn con gia cầm.
Ông Ma Văn Nhót ở xóm Chợ là một trong những nông dân điển hình trong chăn nuôi. Gia đình ông duy trì nuôi thường xuyên 30 con trâu, bò sinh sản và bò thương phẩm. Mỗi năm gia đình ông thu được gần 250 triệu đồng, đã trừ các khoản chi phí đầu tư.
Cũng chăn nuôi đại gia súc, ông Phùng Văn Hảo ở xóm An Long nuôi thường xuyên từ 5 đến 10 con bò, trừ chi phí còn lãi gần 60 triệu đồng/năm…
Lựa thế đất, thế núi, nông dân Bình Long quy hoạch lại vườn bãi, tạo ra thế mạnh trong phát triển kinh tế hộ. Ngoài các mô hình chăn nuôi đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm... Đó là thành quả một phong trào thi đua sôi động, không chỉ ở Bình Long, mà nông dân trên toàn tỉnh và cả nước đang hướng đến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin