Tăng cường hòa giải, đối thoại tại tòa án

Hải Hằng 16:56, 23/08/2022

Sau gần 2 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Tòa án nhân dân huyện Đại Từ đã hòa giải thành nhiều vụ việc. Nhiều đương sự đã lựa chọn hòa giải viên để giải quyết đơn của mình.

Một buổi hòa giải tại Tòa án nhân dân huyện Đại Từ.
Một buổi hòa giải tại Tòa án nhân dân huyện Đại Từ.

Là hàng xóm láng giềng nhiều năm, nhưng vì hơn 30m2 đất mà hai gia đình ông Nguyễn Tiến D. và ông Lê Xuân H. ở xóm Soi, xã Phục Linh, đã phát sinh mâu thuẫn. Sau các bước giải quyết ở cơ sở vẫn không tìm được tiếng nói chung, đến tháng 4-2022, ông D. gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện.

Sau khi được cán bộ Tòa án tuyên truyền, phân tích cái được, mất, hai gia đình đã đi đến thỏa thuận chung, ông H. được sử dụng diện tích đất trên và có trách nhiệm thanh toán cho ông D. số tiền trên 247 triệu đồng. Đến nay, hai gia đình đã trở lại hòa thuận như trước.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc đã được Tòa án nhân dân huyện Đại Từ hòa giải thành. Nhận thức rõ, công tác hòa giải, đối thoại nhằm giải quyết hiệu quả những vụ việc, nhất là hiện nay, các vụ khiếu kiện có xu hướng tăng cả về số vụ lẫn tính chất phức tạp, Tòa án nhân dân huyện đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải.

Trong đó, Toà đặc biệt chú trọng việc lựa chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có trình độ, kiến thức xã hội, có uy tín… để bổ nhiệm làm hòa giải viên. Hiện, Tòa án có 3 hòa giải viên, đều là những người có kinh nghiệm về giải quyết các vụ việc, từng làm thẩm phán, thư ký Tòa án, người ít tuổi nhất đã 60 tuổi, người cao tuổi nhất là 66 tuổi.

Sau khi bổ nhiệm, Tòa án đã tạo điều kiện để những hòa giải viên được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, đối thoại để nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc hòa giải.

Ông Tống Văn Hà, hòa giải viên Tòa án nhân dân huyện Đại Từ, là người có nhiều kinh nghiệm và đã hòa giải thành nhiều vụ việc. Ông Hà cho biết: Trong quá trình hòa giải, tôi giải thích rõ Luật Hòa giải, đối thoại cho cả hai bên; khuyến khích đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện, tạo điều kiện cho các bên thống nhất cách giải quyết vụ việc theo hướng có lợi nhất. Bằng cách đó, từ đầu năm 2021 đến nay, tôi đã tiếp nhận 250 vụ việc, đã hòa giải thành khoảng 200 vụ.

Cùng với lựa chọn, bổ nhiệm những người có năng lực giữ vai trò hòa giải viên, Tòa án nhân dân huyện cũng tăng cường tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại cho người dân. Đồng thời bố trí phòng hòa giải, đối thoại với đầy đủ phương tiện cần thiết.

Quá trình thực hiện, Thư ký Tòa án, cán bộ tiếp công dân và nhận đơn khởi kiện đều hướng dẫn, giải thích quyền lợi cho người khởi kiện biết về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa, từ đó đương sự hiểu rõ để lựa chọn cách giải quyết phù hợp.

Tuy mới thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại chưa đầy 2 năm, nhưng sau một thời gian thực hiện đã có nhiều đương sự lựa chọn hòa giải viên giải quyết đơn kiện của mình sau khi được tuyên truyền về Luật.

Tính từ ngày 1-10-2021 đến hết tháng 3-2022, Tòa án nhân dân huyện Đại Từ đã hòa giải thành 74 vụ việc, trong đó có 11 vụ việc dân sự, 62 vụ việc hôn nhân gia đình.

Theo đồng chí Hoàng Văn Kiên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đại Từ: Những vụ việc được hòa giải thành phần lớn là tranh chấp quyền sử dụng đất, hôn nhân gia đình. Nguyên nhân phát sinh đơn là do nhận thức pháp luật của nhiều người còn hạn chế, đời sống khó khăn, mâu thuẫn trong đời sống không giải quyết được… Sau khi được hòa giải viên phân tích, họ đã hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, những quy định của pháp luật, nên chủ động lựa chọn cách giải quyết bằng hòa giải. Vì vậy, nhiều tranh chấp đã được giải quyết, mâu thuẫn được tháo gỡ, hàng xóm láng giềng từ chỗ cãi vã, đánh chửi nhau trở lại hòa thuận, vợ chồng từ chỗ muốn ly hôn quay về đoàn tụ; giúp giảm thiểu được số lượng án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, hạn chế khiếu kiện kéo dài...


Từ khóa:

Đạt Từ

toà án

hoà giải