Xưởng quân giới Giang Tiên - dấu tích một thời hào hùng

Nhị Hà 15:55, 31/08/2022

Nằm ở trung tâm thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), địa danh đồi Tây Máy gợi cho nhiều người nhớ về thời kỳ kháng chiến oanh liệt của dân tộc ta. Nơi đây, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 từng có một nhà máy điện của thực dân Pháp phục vụ khai thác than tại mỏ Phấn Mễ. Năm 1947, nhà máy được Cục Quân giới của Quân đội ta chọn làm nơi thành lập xưởng sản xuất và sửa chữa vũ khí.

Bia di tích Xưởng quân giới Giang Tiên ở chân đồi Tây Máy, tổ dân phố Giang Long, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương).
Bia di tích Xưởng quân giới Giang Tiên ở chân đồi Tây Máy, tổ dân phố Giang Long, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương).

Dưới sự chỉ đạo của kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Xưởng quân giới Giang Tiên đã chế tạo thành công súng Ba-zô-ca, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Dẫn chúng tôi đi thăm Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Xưởng quân giới Giang Tiên, ông Nguyễn Trọng Vỹ, Bí thư Chi bộ Giang Long, thị trấn Giang Tiên, tự hào chia sẻ: Cả khuôn viên Di tích rộng chừng 5.000m2 và được chia thành 2 khu riêng biệt. Mặc dù đã trải qua hơn 70 năm nhưng nhiều hạng mục của Di tích như nền móng, trụ bê tông, bể chứa nước, nền đặt máy bơm nước tại bến sông Giang Tiên… vẫn còn gần như nguyên trạng. Hàng tháng, tổ dân phố đều phân công hội viên các đoàn thể quét dọn để Di tích luôn sạch sẽ.

Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ thị trấn Giang Tiên” có ghi: Giang Tiên có sẵn nhà máy điện, gồm 2 máy phát 5.000kVA từ năm 1920; sát cạnh đó là một xưởng cơ khí có tường xây cao, lợp mái tôn. Trên địa bàn có tuyến đường bộ huyết mạch, sông Giang Tiên (phụ lưu của sông Cầu) chảy qua; gần các mỏ than Làng Cẩm, Phấn Mễ nên rất thuận lợi cho việc cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất vũ khí.

Xuất phát từ những đặc điểm “địa lợi, nhân hòa” đó, từ cuối năm 1945, Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng) đã xây dựng một xưởng quân giới ở khu vực chân đồi Tây Máy để sản xuất, sửa chữa vũ khí, do đồng chí Hoàng Phúc phụ trách. Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở Giang Tiên, công nhân các nhà máy đã dùng đôi vai cùng các phương tiện vận tải đường thủy và xe trâu, xe bò đi theo đường bộ để vận chuyển máy móc, công cụ, động cơ điện và hàng trăm tấn sắt thép tới đây. Thời điểm xây dựng xưởng vào mùa Đông, thời tiết khắc nghiệt và do công việc nặng nhọc cùng với việc ăn, nghỉ ngoài trời nhiều ngày liên tục khiến nhiều người bị ốm, nhưng ai cũng giữ vững tinh thần quyết tâm cao. Ban đầu, xưởng chủ yếu sản xuất mìn và lựu đạn…

Khi quân Pháp tăng cường sử dụng xe tăng, xe thiết giáp trong các trận càn quét, mở rộng chiến tranh xâm lược, do không có vũ khí tiêu diệt xe tăng từ xa nên các chiến sĩ của ta chủ yếu sử dụng bom ba càng cảm tử lao vào xe tăng địch, thương vong lớn mà hiệu quả chiến đấu không cao. Qua khảo sát, Bộ Quốc phòng xác định chỉ có súng Ba-zô-ca 60mm, kiểu ATM6A1 là phù hợp nhất để chống tăng. Tháng 6-1946, sau khi đến thăm, khảo sát tại Xưởng quân giới Giang Tiên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giao cho Cục Quân giới xuống chỉ đạo việc chế tạo súng Ba-zô-ca tại đây. 

Ông Trần Quang Đạo, một trong những công nhân đầu tiên của Xưởng quân giới Giang Tiên viết trong hồi ký: Xưởng được tiếp nhận một khẩu súng Ba-zô-ca và 2 viên đạn để làm mẫu. Phần cơ khí của những quả đạn được chế tạo đúng hình dạng, kích thước nhưng khó khăn nhất là tính toán lượng thuốc đẩy, thuốc phóng và thuốc gợi nổ để đạn có thể đạt đúng tốc độ và tầm bắn quy định.

Tháng 11-1946, đồng chí Phạm Quang Lễ, nguyên là kỹ sư trưởng một hãng chế tạo máy bay nổi tiếng của Pháp, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ lên Xưởng quân giới Giang Tiên nghiên cứu, chế tạo súng và đạn Ba-zô-ca. Để bảo đảm bí mật cho bản thân và gia đình đồng chí Phạm Quang Lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bí danh cho đồng chí là Trần Đại Nghĩa, giao làm Cục trưởng Cục Quân giới, được toàn quyền quyết định trong việc chế tạo vũ khí mà không phải thông qua bất cứ một cấp nào khác. 

Nhiều hạng mục của Di tích quốc gia Xưởng quân giới Giang Tiên vẫn được giữ gìn nguyên trạng.
Nhiều hạng mục của Di tích quốc gia Xưởng quân giới Giang Tiên vẫn được giữ gìn nguyên trạng.

Sau một thời gian làm việc quên ăn, quên ngủ, cuối tháng 2-1947, kỹ sư Trần Đại Nghĩa và các cộng sự đã chế tạo và thử nghiệm thành công súng Ba-zô-ca tại Xưởng quân giới Giang Tiên. Mức độ đâm xuyên của đạn sâu 75cm trên tường thành xây gạch, tương đương với súng do Mỹ chế tạo. Súng và đạn Ba-zô-ca do Xưởng chế tạo đã kịp thời trang bị cho quân ta tiêu diệt xe tăng địch vào sáng ngày 3/3/1947, góp phần bẻ gãy cuộc tấn công của thực dân Pháp ra vùng Chương Mỹ - Quốc Oai (Hà Nội).

Trong kỳ tích nghiên cứu, chế tạo thành công súng Ba-zô-ca có sự góp sức không nhỏ của người dân Giang Tiên trong việc vận chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu; cung cấp tre, gỗ dựng nhà xưởng, nơi ở và làm việc, cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ, công nhân. Đặc biệt, người dân đã làm tốt việc giữ gìn trật tự trị an, “phòng gian bảo mật”, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Xưởng quân giới Giang Tiên. Những giá trị truyền thống tốt đẹp đó đã được duy trì xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta, đã và đang được cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn Giang Tiên phát huy, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển…

Súng Ba-zô-ka được chế tạo thành công tại Xưởng quân giới Giang Tiên theo mẫu của Mỹ - kiểu ATM6A1. Súng cỡ 60ly, dài 1,27m, nặng 11kg; thân súng chỉ là một ống rỗng hai đầu nên có thể vác trên vai, bắn không giật, cự ly bắn hiệu quả từ 50-60m, xa nhất là 300m. Súng Ba-zô-ka được sử dụng rộng rãi trên khắp các mặt trận trong cả nước, góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.