“Đây là Đài Truyền thanh Thái Nguyên”

NGUYỄN THỊ KHÁNH (TP. Thái Nguyên) 15:24, 11/09/2022

Đó là lời giới thiệu kèm nhạc hiệu bài Du kích ca của Đài chúng tôi phát đi lúc 5 giờ 30 phút ngày 2/9/1956, làm thổn thức tâm hồn của biết bao công dân Thái Nguyên... cứ thế cho đến ngày 20/10/1977, Đài Truyền thanh chuyển về là cơ quan truyền thanh thành phố Thái Nguyên thì Đài giới thiệu thêm hai chữ “thành phố” và nhạc hiệu là bài Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam. Là một trong những người thực hiện chương trình trong các thời khắc xúc động ấy, gần đến Ngày kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Thái Nguyên (19/10/1962 - 19/10/2022), trong tôi bồi hồi xúc cảm.

Tôi nhớ lại những tháng năm đầu tiên khi UBND tỉnh Bắc Thái (cũ) có Quyết định về việc chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống dây loa truyền thanh và con người của Đài Truyền thanh Bắc Thái về thành phố Thái Nguyên quản lý…

Đài Phát thanh Bắc Thái, trên cơ sở tiếp nhận Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc, cũng bắt đầu hoạt động từ ấy. Tôi thấy cũng cần thiết nói thêm rằng: Đài Truyền thanh tỉnh Thái Nguyên ra đời từ năm 1956, do Liên Xô viện trợ máy phát, 3 nhà làm việc, 33km đường dây và 33 cụm loa, cũng chủ yếu phục vụ địa bàn thị xã, phát buổi đầu đúng ngày Quốc khách 2/9/1956. Quyết định này vừa tạo điều kiện truyền thông đô tại thị Thái Nguyên, vừa chuẩn bị cho việc phát thanh có tần số vô tuyến của một đài cấp tỉnh.

Mọi công việc nội dung chương trình phát thanh hằng ngày của Đài Truyền thanh sau khi về với thành phố vẫn duy trì ba bản tin sáng, trưa, chiều, ngoài ra Đài còn tiếp âm các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh tỉnh Thái Nguyên, Bắc Thái, Thái Nguyên.

Nhớ lại những năm tháng ấy, chúng tôi tự hào vô cùng. Mọi hoạt động của đài từ nội dung đến kỹ thuật vẫn giữ nguyên khi còn phạm vi tỉnh, nhưng về UBND thành phố Thái Nguyên, đài chỉ còn 18 biên chế, trong đó có ba đảng viên. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, phóng viên, công nhân viên ngoài lo chuyên môn của mình còn đảm nhận nhiều công việc khác như: Phóng viên kiêm phát thanh viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật kiêm trực máy tăng âm, kiêm công nhân đường dây và sử dụng máy nổ.

Bộ phận biên tập tổ chức xuống các xã, phường, mở rộng mạng lưới cộng tác viên từ cơ sở, nên chương trình phát thanh của Đài có nhiều nội dung phong phú hấp dẫn người nghe.

Thời kỳ đó, tôi vừa làm biên tập, vừa làm phóng viên, vừa làm phát thanh viên. 100% chương trình phát thanh đều đọc trực tiếp, bản tin phát từ lúc 5 giờ sáng nên tôi phải dậy từ rất sớm, chuẩn bị máy móc đọc trước tin, bài để làm sao vừa thể hiện được tình cảm vừa tránh nhầm lẫn khi đọc trước máy.

Khi đó, không chỉ bảo đảm chuyên môn, chúng tôi còn mượn đất trồng lúa, trồng rau, nuôi lợn cải thiện đời sống, hầu hết cán bộ của Đài ở tập thể nên sinh hoạt tập trung vui vẻ và có nhiều điều kiện quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Công việc hằng ngày của Đài dần đi vào nền nếp, cán bộ, công nhân viên của Đài yên tâm, mọi người phấn khởi động viên nhau vượt mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Về thành phố Thái Nguyên được hơn một năm thì tháng 2-1979 chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Đài Truyền thanh thị xã Cao Bằng bị pháo kích, địch phá hỏng toàn bộ máy móc, hệ thống đường dây truyền thanh bị tê liệt hoàn toàn.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Thái Nguyên, Đài Truyền thanh thành phố với tinh thần đồng nghiệp “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” lại san sẻ máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, dây loa truyền thanh và cử bốn cán bộ kỹ thuật do đồng chí Trương Đức Mậu, Phó Giám đốc Đài làm Trưởng đoàn, chở một xe ô tô lên hỗ trợ Đài Truyền thanh thị xã Cao Bằng. Đài được UBND thị xã Cao Bằng cảm ơn vì sự giúp đỡ chân tình đó.

Khó khăn nối tiếp khó khăn, cuối năm 1979, các cơ quan khối Thành ủy, UBND thành phố phải chuyển xuống tòa nhà 4 tầng Khu Gang thép Thái Nguyên làm việc. Cán bộ lãnh đạo Đài phối hợp với Đài Truyền thanh Gang thép đã đưa tín hiệu của Đài Truyền thanh thành phố qua Đài Truyền thanh Gang thép. Các bản tin phát thanh hằng ngày của Đài Truyền thanh thành phố được phát trên hệ thống loa truyền thanh của Đài Truyền thanh Gang thép.

Khi được nghe các chương trình của Đài Truyền thanh thành phố Thái Nguyên, nhân dân các dân tộc phía Nam vô cùng phấn khởi, càng yên tâm sản xuất, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Đài còn lắp đặt đường tín hiệu riêng cho Thành ủy, UBND thành phố để chỉ đạo, điều hành các phòng, ban chức năng của thành phố ở khu vực sơ tán. Từ năm 1980, Đài xây dựng được các chuyên mục như: Vì an ninh thành phố, chương trình Phụ nữ, Công đoàn, Thanh thiếu niên và chương trình Quân đội nhân dân Việt Nam… Ngoài ra, Đài còn hướng dẫn kỹ thuật cho 32 trạm truyền thanh của các xã, phường.

Hiện tại, Đài Truyền thanh thành phố Thái Nguyên mang tên Trung tâm Văn hóa và Truyền thông thành phố. Hằng ngày, Đài vẫn có hai chương trình truyền thanh thành phố Thái Nguyên, trang tin điện tử cập nhật 24/24 giờ và một tháng có hai chương trình truyền hình được phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên.

Đài Truyền thanh thành phố đã trải qua biết bao thăng trầm, từ thuở ban đầu khi về thành phố chỉ vẻn vẹn 18 biên chế mà vẫn đảm nhiệm được mọi việc của Đài Truyền thanh tỉnh.

Nay, nhiều cán bộ, công nhân viên của Đài đã nghỉ hưu, nhưng kỷ niệm của nghề báo nói vẫn luôn hiện hữu trong tâm tưởng. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng tôi vui và tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ bé cho sự nghiệp truyền thanh của thành phố Thái Nguyên.

Để phấn đấu lập thành tích chào mừng 60 Ngày thành lập thành phố Thái Nguyên Anh hùng, chúng tôi mong sao các đồng nghiệp thế hệ hiện tại và sau này tiếp tục sáng tạo, tôi rèn để có chuyên môn giỏi và bản lĩnh chính trị vững vàng, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Thái Nguyên.


Từ khóa:

Đài Truyền thanh Thái Nguyên