Lo ngại trước nguy cơ mất an ninh lương thực, Chính phủ Nhật Bản đang trong quá trình thiết lập ngân sách riêng nhằm bảo đảm an ninh lương thực như một phần chi tiêu của năm tới. Nhưng nỗ lực này đang vấp phải những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan...
Sản lượng lúa gạo ở Nhật Bản suy giảm làm gia tăng nguy cơ an ninh lương thực không bảo đảm. Ảnh: Bloomberg |
Là một quốc gia phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu, vấn đề cấp bách đặt ra đối với đất nước mặt trời mọc hiện nay là phải tăng sản lượng lương thực trong nước và nâng tỷ lệ tự chủ về nguồn cung nguyên liệu thô lên mức cao. Thậm chí có lời kêu gọi chính phủ cần coi an ninh lương thực là chiến lược quốc gia. Tình hình nghiêm trọng đến mức cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Hiroshi Moriyama đã phải dẫn đầu một nhóm chính trị gia đề nghị Thủ tướng Fumio Kishida có hành động ứng phó.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến thiết lập một khoản ngân sách cho an ninh lương thực trong những năm tới, nhưng điều này là không dễ dàng khi dân số già hóa nhanh, thiếu lao động cùng với khoản nợ công ngày một cao do các chương trình hỗ trợ kinh tế khổng lồ trước đó.
Theo Bloomberg, Văn phòng nội các Nhật Bản gần đây đã đề ra một kế hoạch kinh tế mới, kêu gọi tăng sản lượng thức ăn chăn nuôi trong nước cùng với lúa mì, gạo và các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, để bắt tay vào thực hiện cũng còn gặp rất nhiều thách thức, trong đó bao gồm vấn đề ngân sách chưa có gì rõ ràng.
Vấn đề an ninh lương thực ở Nhật trở nên cấp thiết do tác động của giá lương thực toàn cầu tăng cao, tình trạng thiếu hụt phân bón và lạm phát nhiên liệu, cùng đồng yên yếu hơn đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng Nhật Bản trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, có một nhân tố chủ quan đó là do người dân Nhật Bản thay vì giữ thói quen truyền thống ăn cơm với cá, họ đang chuyển qua những món như bánh mì, thịt, dầu ăn... nên càng làm nghiêm trọng hơn tình trạng phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu của nước này.
Trong hàng thập niên, Nhật Bản đã nổi tiếng với những món như sushi và truyền thống ăn uống thanh đạm của mình. Nhưng thời gian gần đây, sự dịch chuyển khẩu vị của người dân đã khiến nền nông nghiệp nước này khó có thể đáp ứng được nhu cầu của công chúng.
Hãng tin Bloomberg cho biết, tình trạng dịch chuyển khẩu vị của người dân Nhật Bản xuất hiện từ khi thu nhập của họ tăng lên. Kinh tế phát triển thúc đẩy giao thương, khả năng nhập khẩu ngày càng đa dạng các loại thực phẩm khác nhau. Cùng với đó là sự bùng nổ giao lưu văn hóa, du lịch, internet đã thúc đẩy tiến trình này. Ngoài ra, sự gia tăng lực lượng lao động nữ, thế hệ trẻ độc thân... càng khiến lối sống truyền thống cũng như khẩu vị của người dân Nhật Bản chịu ảnh hưởng.
Nhật Bản đã chứng kiến sự bùng nổ số lượng hàng quán ăn nhanh, cho dù quốc gia này vẫn nổi tiếng là có lối ăn uống lành mạnh. Hiện Nhật Bản là thị trường có số cửa hàng ăn nhanh McDonald’s nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Thực trạng đã buộc chính phủ và các quan chức ngành nông nghiệp phải khuyến khích người dân tăng cường tiêu dùng nông sản nội địa, ăn nhiều lúa gạo trong nước hơn. Mặc dù hầu hết lúa gạo được tiêu thụ hiện nay tại Nhật là sản phẩm nội địa nhưng cũng không dễ để thay đổi lựa chọn của người dân khi họ chuyển hướng sang ăn những thực phẩm khác.
Hiện mức tiêu thụ gạo bình quân của người Nhật là 53kg/năm, chưa bằng một nửa so với thời giữa thập niên 1960. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy người dân đang ngày càng tránh nạp nhiều tinh bột để giữ sức khỏe, trong khi dân số già của Nhật Bản đồng nghĩa sức ăn cũng yếu đi và chú trọng ăn kiêng nhiều hơn.
Còn đối với giới trẻ, việc phải nấu nướng với họ là quá mất thời gian trong khi cuộc sống bận rộn, làm việc đến kiệt sức nên sự lựa chọn đồ ăn nhanh là không thể khác.
Nhiều người trẻ bày tỏ rằng, nấu cơm Nhật Bản đúng cách, bao gồm việc phải ngâm các loại ngũ cốc trước đó đến một giờ, là quá tốn thời gian. Thực tế là ngày nay, các gia đình Nhật thường bắt đầu ngày mới với bữa sáng có bánh mì và sữa chua thay vì những món truyền thống như cơm, súp miso và cá nướng.
Cùng với sản lượng lúa gạo là mặt hàng nông sản truyền thống, sản lượng lúa mì của Nhật cũng suy giảm do truyền thống canh tác kép. Nghĩa là người nông dân trồng lúa mì, thu hoạch rồi xả lũ cánh đồng để trồng tiếp gạo trong năm đó. Nhưng với dân số già hóa nhanh, thiếu lực lượng lao động cùng với xu thế bỏ làng quê lên thành phố của giới trẻ đã khiến người nông dân không có thời gian trồng vụ kép như vậy nữa. Thậm chí nhiều cánh đồng còn bị bỏ trống nhiều tháng do canh tác không có lợi nhuận.
Việc canh tác hiện ngày một khó khăn vì chi phí nuôi trồng tăng lên nhưng giá nông sản lại sụt giảm trước sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu cũng như thay đổi khẩu vị của người tiêu dùng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin