Một nghiên cứu lớn được các nhà khoa học và tổ chức bản địa thực hiện kết luận rằng sự tàn phá môi trường ở các khu vực của rừng Amazon đã chạm tới "điểm tới hạn" và có thể không bao giờ phục hồi được.
Các đám cháy tại một khu vực rừng Amazon vào năm 2019 (Ảnh: REUTERS) |
Các nhà khoa học thuộc Mạng lưới Thông tin môi trường - xã hội tham chiếu địa lý vùng Amazon (RAISG) đã phối hợp với điều phối viên của các tổ chức bản địa của lưu vực sông Amazon (Coica) để thực hiện nghiên cứu mang tên "Amazonia Against the Clock" ("Lưu vực sông Amazon chạy đua với thời gian"), một trong những nghiên cứu lớn nhất cho đến nay bao gồm tất cả 9 quốc gia và vùng lãnh thổ nơi rừng Amazon bao phủ.
Nghiên cứu phát hiện rằng chỉ có Suriname và vùng lãnh thổ Guiana thuộc Pháp là có ít nhất một nửa diện tích rừng của mình vẫn còn nguyên vẹn. Hoạt động khai thác khoáng sản là một trong những mối đe dọa ngày càng tăng, với các khu bảo tồn và đất của các bộ lạc thổ dân nằm trong số các khu vực mà nhiều ngành khai thác hướng tới. Dầu mỏ cũng là một mối đe dọa khác. Các giếng dầu bao phủ 9,4% bề mặt của Amazon và 43% trong số đó nằm trong các khu bảo tồn và đất của người bản địa.
Báo cáo cho biết hơn 50% diện tích rừng Amazon ở Ecuador được coi là một giếng dầu, trong khi ở Peru là 31%, Bolivia là 29% và Colombia là 28%. Mối quan ngại lớn hơn nữa là nông nghiệp. Theo báo cáo, nông nghiệp là nguyên nhân gây ra 84% nạn phá rừng và lượng đất dành cho nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1985.
Nghiên cứu khuyến nghị để bảo tồn rừng Amazon đòi hỏi sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa chính phủ các nước trong khu vực, các tổ chức tài chính quốc tế và các công ty cổ phần tư nhân nắm giữ phần lớn các khoản nợ của các quốc gia ở lưu vực Amazon.
Mỹ Latinh là khu vực gánh nợ nhiều nhất trong thế giới đang phát triển và việc xóa nợ để đổi lấy các cam kết bảo tồn sẽ có hiệu quả đáng kể. Ngoài ra, trong số 13 giải pháp khác mà báo cáo đề xuất còn có đình chỉ hoàn toàn việc cấp phép mới và cấp vốn cho các hoạt động khai khoáng, dầu mỏ, chăn nuôi gia súc, xây các đập lớn, khai thác gỗ và các hoạt động khác; phục hồi đất bị tàn phá; xây dựng các mô hình quản trị mới cho phép tăng cường tính đại diện và sự công nhận dành cho cộng đồng người bản địa.
Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu thổ dân thuộc 500 bộ lạc và nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động, thực vật khác nhau. Các tổ chức bản địa đại diện cho hơn 500 bộ lạc sinh sống tại lưu vực sông Amazon đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu để bảo vệ lâu dài 80% diện tích rừng Amazon vào năm 2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin