Gần đây, việc thiếu vật tư y tế và vật liệu thi công Dự án Cao tốc Bắc - Nam đang được dư luận quan tâm chú ý. Trong khi hệ thống y tế đóng vai trò trụ cột quan trọng về an sinh xã hội, Cao tốc Bắc – Nam được ví như “xương sống” mới của đất nước, cho nên, một khi gặp khó khăn thì hệ quả sẽ rất nghiêm trọng.
Theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương, đơn vị cho hay có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Các loại thuốc thiếu gồm thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Bên cạnh đó còn có 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.
Hệ thống y tế đóng vai trò là một trụ cột quan trọng về an sinh xã hội, một khi gặp khó khăn thì hệ quả rất nghiêm trọng. Trong đó, bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất.
Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng.
Cao tốc Bắc – Nam được ví như “xương sống” mới của đất nước, kết nối thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh, mở ra cơ hội phát triển 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều chuyên gia chỉ rõ một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam không được đánh giá cao về khả năng cạnh tranh là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng kéo theo sự gia tăng về chi phí logistics.
Chính vì thế, giao thông đường bộ là một đột phá quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh và Dự án Cao tốc Bắc – Nam được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đó. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối tháng 7-2022, trong tổng số 10 dự án thành phần đang thi công, có tới 5 dự án chậm tiến độ từ 1,7% đến gần 5%.
Về nguyên nhân, đối với vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế cho rằng tình trạng này xuất phát từ tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra. Cho nên, một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Dẫu vậy, bữa tiệc linh đình nhằm chia tay nghỉ hưu đối với ông N.V.C, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Ninh lại khiến người ra đặt câu hỏi lớn. Bởi bữa tiệc này được một công ty có tỷ lệ trúng thầu thiết bị y tế cao ngất ngưởng đứng ra tổ chức còn dư luận vốn tin rằng “không có bữa tiệc nào là miễn phí”.
Trong khi đó, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam bị chậm tiến độ là do biến động giá vật liệu xây dựng. Nói cách khác là việc nhà thầu đang phải đối diện với tình trạng khó khăn về nguồn cung đất đắp mà đằng sau nó là do tư vấn khảo sát và đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng rất nhiều mỏ chưa có giấy phép khai thác; thủ tục để xin cấp phép khai thác mỏ vật liệu kéo dài… đã đẩy giá vật liệu tại chân công trường lên rất cao.
Đại diện Hiệp hội các nhà thầu thi công Cao tốc Bắc - Nam lo ngại: Sắp tới, nếu không có giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền, nguy cơ vỡ tiến độ tại các Dự án Cao tốc Bắc - Nam là hiện hữu.
Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung đất đắp, cát san nền, chính phủ đã ban hành 02 Nghị quyết về cơ chế đặc thù trong cấp phép mỏ vật liệu xây dựng cho Cao tốc Bắc – Nam, tuy nhiên, một số địa phương vẫn cho rằng họ đang giải quyết việc cấp phép mỏ vật liệu đúng thẩm quyền, đúng quy định và đúng quy trình.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận thực tế rằng mỏ vật liệu là tài sản quốc gia, nhưng lâu nay được các địa phương bán, đấu giá hoặc giao cho tư nhân khai thác. Việc giá vật liệu thực tế cao hơn nhiều so với giá bỏ thầu khiến nhà thầu hoàn toàn bị động, méo mặt “bù lỗ”, Dự án Cao tốc Bắc – Nam đối mặt nguy cơ vỡ tiến độ, còn các chủ mỏ lại thu lời lớn. Trong khi đó, nếu giao mỏ vật liệu cho chủ đầu tư, nhà thầu quản lý, tiến độ dự án sẽ được bảo đảm, chi phí cũng giảm đáng kể so với việc bán đấu giá…
Rõ ràng, cả trong vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế và thiếu đất đắp, cát san nền cho Cao tốc Bắc – Nam, tình trạng sợ trách nhiệm, giữ an toàn cho bản thân đang gây ra nhiều hệ lụy. Nhưng xem ra không chỉ có vậy, trong công tác đấu thầu vẫn còn những “khoảng trống”, “kẽ hở” và “bất cập”, cần phải “bịt kín” để tham nhũng, tiêu cực không có đất “nảy nở”, “sinh sôi”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin