Chiều 19-10, thông tin từ UBND TP. Đà Nẵng cho biết, tổng thiệt hại do bão số 5 và đợt mưa lũ lịch sử vừa qua trên địa bàn thành phố lên đến trên 1.486 tỷ đồng. Trong đó nặng nhất là quận Liên Chiểu 578 tỷ đồng, huyện Hòa Vang 250 tỷ đồng.
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng kiểm tra, chỉ đạo việc khắc phục sự cố sạt lở. |
Chỉ trong khoảng 20 giờ từ chiều 14-10 đến sáng 15-10, toàn thành phố có mưa rất to, lượng mưa ở khu vực các quận trung tâm thành phố từ 400-795 mm, cao nhất tại Suối Đá, bán đảo Sơn Trà 795,6 mm, lại xảy ra vào đúng thời điểm triều cường, sóng lớn do hoàn lưu bão số 5, đã gây ngập diện rộng trên địa bàn thành phố.
Trong chiều và tối 14-10, sáng 15-10, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, các quận, huyện đã thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường công tác sơ tán nhân dân và cứu hộ cứu nạn người dân đến nơi an toàn.
Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo, điều động các lực lượng vũ trang, lực lượng cơ sở tại quận, huyện, xã phường và các tổ xung kích phòng chống thiên tai địa phương tập trung hỗ trợ, cứu nạn, di dời hơn hơn 14.000 người dân ở các khu vực bị ngập sâu, cô lập và nước chảy xiết, như các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam quận Liên Chiểu; xã Hòa Phong, xã Hòa Nhơn, xã Hòa Bắc, xã Hòa Liên… huyện Hòa Vang, phường Thanh Khê Tây quận Thanh Khê, phường Hòa Thọ Đông, Hòa Phát quận Cẩm Lệ, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu…
Các cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, các quận, huyện, các phương tiện thông tin, đại chúng, phát thanh, truyền hình, và mạng xã hội đã liên tục đưa tin về bão số 5, mưa lớn và các tình huống, thông tin, phản hồi cần hỗ trợ về cứu hộ, cứu nạn từ người dân đến chính quyền, các lực lượng cứu hộ cứu nạn.
Mưa lũ đã làm 4 người chết (3 nam và 1 nữ). Toàn thành phố có gần 70.000 ngôi nhà ở 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện bị ngập sâu, trong đó quận Liên Chiểu 27.328 nhà; huyện Hòa Vang 16.040; Thanh Khê: 12.009; Hải Châu: 12.012; Cẩm Lệ: 5.398 nhà. Hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập từ 0,5-1,0 m, có nơi ngập đến 2,0 m.
Có 1 ngôi nhà sụp hoàn toàn do sạt lở hồ Hố Dư ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hoà Nhơn, huyện Hòa Vang. 28 nhà sập một phần. Đa số các hộ dân trên địa bàn bị ngập nước đều bị hư hỏng các thiết bị dân dụng như: Tivi, tủ lạnh, máy quạt, bàn ghế, giường, tủ…; nhiều tài sản có giá trị như xe ô tô, xe máy của người dân bị ngập nước, hư hỏng; hư hỏng hàng hóa của tiểu thương trong các chợ, bến xe và hộ buôn bán tạp hóa, thực phẩm, áo quần, vải, rau củ quả,… và hư hỏng máy móc trang thiết bị sản xuất của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan công sở...
Hơn 74ha rau màu các loại bị ngập úng, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; 60.000 con gia súc gia cầm bị cuốn trôi. Đã xảy ra 130 sự cố về điện, với 2.631 trạm biến áp bị mất điện và 207.705 khách hàng bị mất điện kéo dài nhiều giờ. 14 trường học các cấp bị ngập, thiệt hại hư hỏng sổ sách, thiết bị điện tử và dụng cụ dạy học, trong đó, 03 trường tại quận Liên Chiểu, 09 trường tại quận Cẩm Lệ và 02 trường tại huyện Hòa Vang.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị sạt lở, hư, hỏng; các vị trí sạt lở nặng như đường Hoàng Sa, đường lên núi Sơn Trà; đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, các tuyến đường liên xã, liên thôn huyện Hòa Vang...
Tại nghĩa trang Hòa Sơn, huyện Hòa Vang - nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng - có 11 điểm sạt lở, vùi lấp đất đá núi với khối lượng hơn 6000m3, hàng ngàn ngôi mộ bị cuốn trôi, vùi lấp, đường giao thông nội bộ trong nghĩa trang hư hỏng nặng. Hơn 2000 xe ô tô, 30 ngàn xe máy của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước… bị ngập nước.
Ngay khi nước vừa rút, chính quyền các địa phương đã huy động toàn lực lượng tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị nạn; quan tâm hỗ trợ các gia đình khó khăn; chủ động hỗ trợ, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm; khẩn trương kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố về điện, hệ thống cấp nước, thoát nước, đảm bảo điện, nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất, chằng chống cây xanh ngã đổ trên các tuyến phố.
Ngành Y tế kiểm tra toàn thành phố triển khai ngay việc kiểm tra, xử lý, khắc phục thiệt hại, đảm bảo việc khám và điều trị bệnh nhân, tiến hành phun khử khuẩn không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.
Các cấp, ngành của thành phố đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên cho nhân dân bị thiệt hại với số tiền là gần 2,2 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6 và các đợt bão lũ trong thời gian tới, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Hiện nay, toàn TP. Đà Nẵng đang tập trung nguồn lực để triển khai khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra và đầu tư xây dựng các công trình khẩn cấp để ổn định lâu dài trong công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư 03 dự án mang tính khẩn cấp, bao gồm Dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa - khu vực bán đảo Sơn Trà, ước tính kinh phí 500 tỷ; Dự án chống ngập nước khu vực Sân bay Đà Nẵng 500 tỷ đồng; Dự án đầu tư gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Trường Sa - Võ Nguyên Giáp 180 tỷ đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin