Hằng năm, dịp 26-3, anh chị em nguyên là cán bộ đoàn các cơ quan trong khối lại tổ chức gặp mặt để ôn lại kỷ niệm thời còn tham gia công tác Đoàn. Bởi là những cán bộ Đoàn cơ sở không chuyên trách, mỗi người công tác ở một cơ quan khác nhau nên ngoài chủ đề chính “ôn lại truyền thống của Đoàn” thì đây cũng là dịp trao đổi, chia sẻ về công việc của mình.
Ảnh minh họa |
Buổi tiệc đã đến hồi kết thúc, anh T. thở dài: Không biết cơ quan các ông thế nào, chứ cơ quan tôi gần đây công việc căng lắm. Cấp trên thì thúc ép tiến độ, đồng nghiệp thì đùn đẩy né tránh, chẳng ông nào dám tham mưu,… nhất là những vấn đề “nóng”. Khi gửi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) xin ý kiến các sở, ngành liên quan thì cơ bản nhận được câu trả lời “nhất trí như dự thảo”, có tham gia cũng chỉ đi vào kỹ thuật trình bày văn bản...
- Anh B. tiếp lời: Cơ quan nào bây giờ chẳng vậy, nhất là ngành, lĩnh vực của anh, em mình. Trên thực tế, công tác tham mưu nội dung xin ý kiến các đơn vị, địa phương có liên quan vào dự thảo văn bản QPPL của cơ quan chủ trì cũng chưa sâu, chưa sát, chưa cụ thể. Phần lớn cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không nêu rõ nội dung cần xin ý kiến tham gia của các cơ quan có liên quan về tính hợp hiến, tính khả thi, tác động của các quy định trong văn bản QPPL. Cho nên, họ ít quan tâm và không nghiên cứu kỹ để tham gia. Còn đối tượng chịu tác động trực tiếp thì chỉ chăm chăm vào những nội dung liên quan đến lợi ích của họ. Có tham gia thì cũng chỉ nêu những vấn đề có lợi cho họ…
- Ông B. nói đúng đấy, nhưng ít nhất mình đã thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Ngộ nhỡ sau này có gì thì trách nhiệm thuộc về tập thể... - Anh H. lên tiếng.
Câu chuyện trên khiến tôi không khỏi suy nghĩ, bởi Luật Ban hành văn bản QPPL đã quy định rõ quy trình xây dựng văn bản QPPL. Trong đó, quy định rõ cách thức lấy ý kiến tham gia của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Phải chăng cả cơ quan được giao trách nhiệm chủ trì đến đối tượng chịu tác động trực tiếp và các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa “đúng vai, thuộc bài”.
Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng và tiến độ công tác góp ý kiến tham gia đối với các dự thảo văn bản QPPL theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhất là đối với nội dung có liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao tham mưu nội dung góp ý cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình, phát huy dân chủ, chống “bệnh hình thức” trong việc xây dựng văn bản QPPL…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin