Thăm lại Cò Nòi

Nguyên Ngọc 16:06, 15/04/2024

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, địa danh Ngã ba Cò Nòi (thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) có một vị trí quan trọng. Đây là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, con đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, khu III, khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi đây, máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP) và nhân dân đã đổ xuống để góp phần viết nên khúc tráng ca bất tử cho thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ. 

 

“Tọa độ lửa”

Đầu năm 1953, để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn bộ đội, dân công ở khắp cả nước đã được huy động lên chiến trường. Trong những năm tháng lịch sử ấy, Ngã ba Cò Nòi có một vị trí đặc biệt quan trọng. Là nơi giao nhau giữa Đường 41 (nay là Quốc lộ 6) với Đường 13 (nay là Quốc lộ 37) nên mọi hoạt động vận chuyển vũ khí, lương thực, chi viện lực lượng... từ Yên Bái sang và từ đồng bằng Bắc Bộ lên chiến trường Điện Biên Phủ đều phải qua ngã ba trọng điểm này. Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua…”.

Thực dân Pháp đã ra lệnh cho không quân bằng mọi cách phải biến “Ngã ba Cò Nòi thành bãi lầy”. Tại đây, địch đã ném hàng vạn tấn bom đạn nhằm cắt đứt con đường vận tải huyết mạch chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ngã ba Cò Nòi trở thành “tọa độ lửa”, nơi diễn ra cuộc đọ sức, đấu trí quyết liệt giữa quân ta và quân địch. Với quyết tâm bảo vệ thông suốt con đường huyết mạch, hơn 18.200 lượt TNXP được huy động từ khắp các cả nước đã lên đường phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, thường trực tại Ngã ba Cò Nòi có trên 1.000 người thuộc Đội 34 và Đội 40.

Cựu TNXP Hồ Ngọc Toàn ôn lại những ngày tháng chiến đấu kiên cường, ác liệt tại Ngã ba Cò Nòi.

Hồi tưởng về những ngày đêm chiến đấu kiên cường, ác liệt tại Ngã ba Cò Nòi, ông Hồ Ngọc Toàn, cựu TNXP Đại đội C408, Đội 40, Đoàn TNXP Trung ương (hiện đang sinh sống tại phường Tô Hiệu, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) kể lại: Sở dĩ Ngã ba Cò Nòi được ví là “tọa độ lửa”, bởi, từ tháng 3-1954 đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, không ngày nào nơi đây im tiếng bom đạn. Có những ngày cao điểm, địch ném xuống 300 quả bom các loại… Giọng ông như nghẹn lại khi nhắc đến sự hy sinh anh dũng của những đồng đội đã ngã xuống nơi ngã ba này: "Tôi nhớ ngày 13/3/1954, địch ném bom, đánh phá ác liệt nhất. Ngày hôm sau, chúng tôi đi đào bới tìm thi hài của đồng đội nhưng nhiều người chỉ còn lại một phần thân thể… cũng không biết là của ai nữa”.

Hy sinh, gian khổ là thế nhưng với tinh thần “sống phá bom, nối đường, chết kiên cường, dũng cảm”, dưới mưa bom, lửa đạn của kẻ thù, lực lượng TNXP ở ngã ba Cò Nòi vẫn hiên ngang, dũng cảm làm nhiệm vụ, đảm bảo “huyết mạch” giao thông vẫn chảy đều trên tuyến lửa. Quá trình phục vụ chiến dịch, đã có hơn 100 TNXP Đội 34, 40 và nhiều người dân địa phương mãi mãi nằm lại nơi ngã ba này.

Ngày nay, Khu tưởng niệm liệt sỹ TNXP Ngã ba Cò Nòi trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ trẻ. Trong ảnh: Du khách thăm quan Nhà trưng bày hiện vật tại Khu tưởng niệm liệt sỹ TNXP Ngã ba Cò Nòi.

Sức sống mới trên mảnh đất anh hùng

Đồng chí Vũ Tiến Đĩnh, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết: Từ một xã đặc biệt khó khăn, năm 2019, Cò Nòi đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, điện lưới Quốc gia đã phủ đến các thôn, bản; hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Những năm gần đây, với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Cò Nòi đã trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất của huyện Mai Sơn, với tổng diện tích trên 2.100ha các loại. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2023, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

70 năm đã trôi qua kể từ ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, về thăm Ngã ba Cò Nòi những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi cảm nhận rõ sự hồi sinh, sức sống của vùng đất và con người nơi đây. Từ mảnh đất bị tàn phá bởi chiến tranh, xã Cò Nòi đã vươn mình trở thành một trong những vùng kinh tế động lực của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Trên những hố bom chằng chịt năm xưa, giờ đây là những vườn cây ăn quả, đồi mía, nương ngô xanh mướt, trải dài trong nắng sớm. Từ đèo Chiềng Đông đi lên, đèo Chẹn đi sang, xung quanh ngã ba này đâu đâu cũng là “màu xanh no ấm”. Tuyến đường đèo dốc chênh vênh, nay cũng đã được nâng cấp, mở rộng thênh thang, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, giao thương của người dân.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng Ngã ba Cò Nòi sẽ mãi là chứng nhân lịch sử của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày nay, đồng bào các dân tộc xã Cò Nòi nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung đã và đang tiếp nối truyền thống anh hùng, đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. 

Nông dân xã Cò Nòi thu hái quả dâu tây, một trong những loại cây trồng đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các liệt sỹ TNXP đã ngã xuống tại Ngã ba Cò Nòi, năm 2002, tỉnh Sơn La đã xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP. Năm 2004, di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia. Từ đó đến nay, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ sau.