Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ

07:49, 24/10/2014

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN).

Theo Nghị định này, về đầu tư cho hoạt động KH&CN, ngân sách nhà nước chi phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN không phân biệt thành phần kinh tế theo các nội dung: xây dựng mới, nâng cấp, tăng cường năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN; xây dựng khu nghiên cứu và phát triển cho các khu công nghệ cao; xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về KH&CN; các hoạt động đầu tư khác phục vụ phát triển KH&CN. Ngoài ra, chi sự nghiệp KH&CN, gồm các nội dung: chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; cấp vốn điều lệ và vốn bổ sung cho các quỹ quốc gia của Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN; thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong nước và nước ngoài; xúc tiến ứng dụng tiến bộ KH&CN;…

 

Về đầu tư của doanh nghiệp, Nghị định quy định: doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KH&CN để đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN cho doanh nghiệp và cho ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

 

Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho KH&CN tại Việt Nam dưới các hình thức: đầu tư trực tiếp, liên doanh, liên kết với các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp của Việt Nam hoặc ủy thác đầu tư. Trong trường hợp này dự án đầu tư được hưởng các hình thức ưu đãi theo quy định pháp luật. Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân vận động các khoản tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động KH&CN.

 

Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN từ ngân sách nhà nước được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hay khoán chi từng phần, được chủ động sử dụng kinh phí được giao khoán một cách hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu có quyền thay đổi các mục chi, nội dung chi và quyết định định mức chi trong tổng mức kinh phí được khoán chi. Đối với kinh phí tiết kiệm từ phần kinh phí được khoán chi, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ được sử dụng theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan chủ trì. Kinh phí khoán được sử dụng đúng mục đích, có chứng từ theo thực chi, đảm bảo công khai, minh bạch trong nội bộ tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

 

Việc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện: kết quả nghiên cứu KH&CN cần mua có giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, xác định được tiêu chí rõ ràng, minh bạch và định lượng; có tổ chức, cá nhân cam kết ứng dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức, cá nhân nhận thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chấp nhận quá trình thẩm định nội dung và kinh phí theo quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cam kết tự huy động kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2014.