Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2024

Đ.H (th) 10:19, 29/04/2024

Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần; Hàng loạt quy định về xét tặng các danh hiệu có hiệu lực, Thay đổi mẫu Quyết định chấp thuận cho đơn vị được tổ chức cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên đăng ký hành nghề, Hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước, Biểu mẫu liên quan đến chấp thuận được tổ chức cho du khách nước ngoài mang xe vào Việt Nam ... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước

Chính phủ đã ban hành Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý bao gồm: Về chính trị tư tưởng; về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; về trình độ; về năng lực và uy tín; về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác.

Ngoài ra, một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm: Trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn đã kinh qua vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp dưới trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến bổ nhiệm.

Trường hợp người giữ chức vụ, chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm chức vụ, chức danh khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm.

Trường hợp đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước thì phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP nhưng không phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về quản lý nhà nước theo quy định của chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm. Đối với các trường hợp này phải hoàn thiện tiêu chuẩn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm.

Nghị định 29/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/5/2024.

 

Từ ngày 15/5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 15/5/2024.

Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm, Quyết định 05/2024/QĐ-TTg nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Hàng loạt quy định về xét tặng các danh hiệu có hiệu lực

Chính phủ mới đây đã ban hành 2 Nghị định mới quy định chi tiết việc xét tặng các danh hiệu gồm: Nghị định 35/2024/NĐ-CP và Nghị định 36/2024/NĐ-CP, đều có hiệu lực trong tháng 5/2024.

Cụ thể, Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” có hiệu lực từ 25/5/2024. So với Nghị định 27/2015/NĐ-CP, Nghị định 35/2024/NĐ-CP có nhiều điểm mới. Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của từng đối tượng, loại hình cơ sở giáo dục có tính chất tương đồng, Nghị định 35/2024/NĐ-CP thống nhất ở cả tiêu chuẩn “Nhà giáo nhân dân” và tiêu chuẩn “Nhà giáo ưu tú” để xây dựng tiêu chuẩn theo 7 nhóm đối tượng. Cùng với đó, Nghị định 35/2024/NĐ-CP cũng cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình, thời gian, cụ thể hóa các tiêu chí theo hướng định lượng tiêu chuẩn, rút gọn chỉ còn 3 cấp hội đồng (cấp cơ sở, cấp Bộ/ban/ngành/tỉnh/đại học quốc gia, cấp Nhà nước)...

Nghị định 36/2024/NĐ-CP quy định chi tiết xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 20/5/2024. Nghị định gồm 5 chương và 19 điều, trong đó quy định rõ việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật phải bảo đảm nguyên tắc: Tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình (tác phẩm, công trình) về văn học, nghệ thuật của tác giả chỉ được đề nghị xét tặng một chuyên ngành về văn học, nghệ thuật.

Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật của tác giả đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật thì không được kết hợp với tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật khác để đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật.

 

Quy định mới về định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 21/2024/TT-BTC quy định về định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.

Theo đó, định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý được Thông tư 21/2024/TT-BTC quy định như sau: Đối với gạo bảo quản thường xuyên phí bảo quản là 68.241 đồng/tấn.năm; bảo quản lần đầu - mới là 219.977 đồng/tấn.lần; bảo quản lần đầu - bổ sung là 118.538 đồng/tấn.lần.

Đối với thóc bảo quản thường xuyên: Thóc đổ rời và đóng bao áp suất thấp mức phí là 123.304 đồng/tấn.năm; thóc đổ rời và đóng bao bảo quản kín bổ sung N2 nồng độ ≥98% là 122.240 đồng/tấn.năm.

Đối với thóc bảo quản lần đầu: Thóc đổ rời áp suất thấp - mới mức phí là 389.058 đồng/tấn.lần; thóc đổ rời áp suất thấp - bổ sung là 173.172 đồng/tấn.lần; thóc đóng bao áp suất thấp - mới là 267.108 đồng/tấn.lần; thóc đóng bao áp suất thấp - bổ sung là 144.189 đồng/tấn.lần...

Bên cạnh đó, định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý được thực hiện chi cho các nội dung chi có liên quan đến công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo danh mục nội dung định mức được quy định tại Thông tư 19/2024/TT-BTC quy định định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.

Định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý quy định tại Thông tư 21/2024/TT-BTC được áp dụng làm căn cứ để xây dựng dự toán và quản lý chi phí, thực hiện kế hoạch bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Thông tư 21/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.

 

Thay đổi mẫu Quyết định chấp thuận cho đơn vị được tổ chức cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên đăng ký hành nghề

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư 150/2012/TT-BTC hướng dẫn cập nhật kiến thức hàng năm cho kiểm toán viên đăng ký hành nghề kiểm toán có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.

Theo đó, thay thế Phụ lục số 02/CNKT ban hành kèm theo Thông tư 150/2012/TT-BTC ngày 12/9/2012 bằng Phụ lục số 002/CNKT (Quyết định chấp thuận cho đơn vị được tổ chức cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên đăng ký hành nghề) ban hành kèm theo Thông tư 15/2024/TT-BTC .

Bên cạnh đó, còn thay thế cụm từ “Bộ Tài chính (Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán)” tại Phụ lục số 01/CNKT, 03/CNKT, 04/CNKT, 06/CNKT ban hành kèm theo Thông tư 150/2012/TT-BTC và Phụ lục số 07/CNKT ban hành kèm theo Thông tư 56/2015/TT-BTC bằng cụm từ “Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính”.

Thay thế cụm từ “Bộ Tài chính” tại khoản 2 khoản 3 khoản 4 Điều 2, khoản 1 Điều 6, điểm a điểm đ khoản 1 Điều 7, khoản 1 khoản 2 Điều 9, điểm a khoản 4 Điều 10, điểm c khoản 6 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 12 (đã được sửa đổi tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư 56/2015/TT-BTC ngày 23/4/2015), điểm a khoản 1 Điều 14, khoản 1 khoản 3 khoản 4 khoản 5 khoản 9 Điều 15, khoản 3 Điều 16, Khoản 2, Khoản 5 Điều 17, khoản 1 Điều 18 Thông tư 150/2012/TT-BTC bằng cụm từ “Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính”.

 

Hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước

Thông tư 17/2024/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua Kho bạc Nhà nước theo các hình thức sau:

(1) Thanh toán trước, kiểm soát sau:

- Thanh toán trước, kiểm soát sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 01 ngày làm việc; đồng thời, gửi 01 chứng từ báo nợ cho đơn vị để xác nhận đã thực hiện thanh toán, gửi 01 chứng từ báo có cho đơn vị (nếu đơn vị thụ hưởng mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước).

- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát hồ sơ theo chế độ quy định.

- Trường hợp sau khi kiểm soát phát hiện khoản chi không đảm bảo đúng chế độ quy định, Kho bạc Nhà nước có văn bản thông báo kết quả kiểm soát chi (theo Mẫu số 01 kèm theo Thông tư này) gửi đơn vị sử dụng ngân sách; sau đó thực hiện xử lý thu hồi giảm trừ giá trị thanh toán vào lần thanh toán liền kề tiếp theo, trường hợp lần thanh toán liền kề tiếp theo không đủ khối lượng hoàn thành/dự toán để giảm trừ thì thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư 17/2024/TT-BTC .

(2) Kiểm soát trước, thanh toán sau: Kiểm soát trước, thanh toán sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với tất cả các khoản chi, trong đó, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo đúng thời gian quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.

 

Biểu mẫu liên quan đến chấp thuận được tổ chức cho du khách nước ngoài mang xe vào Việt Nam

Từ ngày 01/5/2024, Nghị định 30/2024/NĐ-CP quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, biểu mẫu liên quan đến chấp thuận được tổ chức cho du khách nước ngoài mang xe vào Việt Nam gồm có:

- Mẫu số 01: Công văn đề nghị chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam.

- Mẫu số 02: Danh sách người và phương tiện cơ giới nước ngoài.

- Mẫu số 03: Văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam.

- Mẫu số 04: Công văn gửi đến Bộ Công an báo cáo về lý do phương tiện xuất cảnh chậm (bất khả kháng) so với thời gian quy định trong văn bản chấp thuận của Bộ Công an.

- Mẫu số 05: Văn bản chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đối được xuất cảnh chậm phương tiện so với thời gian quy định trong văn bản chấp thuận của Bộ Công an.

- Mẫu số 06: Báo cáo Bộ Công an về quá trình tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch.

- Mẫu số 07: Văn bản trả lời không chấp thuận việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế xuất cảnh chậm phương tiện so với thời gian quy định trong văn bản chấp thuận của Bộ Công an.