Từ những cuốn tiểu thuyết lịch sử, nghĩ về việc tri ân quá khứ

17:18, 08/05/2017

Sáng nay, Nhà văn Hồ Thủy Giang đến tặng tôi cuốn sách mới tinh ông vừa mang ở nhà xuất bản về. Việc nhà văn ra sách là chuyện hết sức bình thường. Đối với nhà văn Hồ Thủy Giang, người đang giữ “kỷ lục” ở Thái Nguyên với 33 “đứa con” lần lượt chào đời, thì điều đó lại càng thường tình hơn.

 Một mình một chiếu…

Cầm cuốn Tiểu thuyết lịch sử “Thái Nguyên- 1917” xinh xẻo trên tay, óc tôi dội lên biết bao suy nghĩ. Thật là hợp thời điểm vì chỉ còn ít tháng nữa thôi, Thái Nguyên sẽ kỷ niệm 100 năm ngày bùng nổ Khởi nghĩa Thái Nguyên (1917-2017). Cuộc khởi nghĩa được đánh giá là lớn nhất, dài nhất, có tiếng vang lớn nhất ở Việt Nam, trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần I (1914-1918).

 

Cuộc khởi nghĩa là niềm tự hào lớn của nhân dân Thái Nguyên. Tên của Thủ lĩnh Đội Cấn (Trịnh Văn Cấn), của Quân sư Lương Ngọc Quyến - những linh hồn của cuộc khởi nghĩa - được lấy đặt cho hai ngôi trường danh giá, hai con đường sầm uất của thành phố. Đã có nhiều cuộc hội thảo, hàng nghìn trang tư liệu, nghiên cứu của các nhà sử học về cuộc Khởi nghĩa này.

 

Nhưng, bằng hình thức tiểu thuyết, Nhà văn Hồ Thủy Giang là người tái tạo cuộc khởi nghĩa một cách hoàn toàn khác. Ông vừa sử dụng sử liệu, các kết quả khảo sát, tìm hiểu các nhân chứng, vật chứng còn để lại dấu tích ở địa phương, vừa sử dụng yếu tố hư cấu của thể loại tiểu thuyết để viết ra “Thái Nguyên - 2017”.

 

Ngược thời gian, vào năm 2010, Nhà văn Hồ Thủy Giang đã viết kịch bản và được Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh dựng bộ phim 4 tập “Dưới cờ phục quốc”, tái hiện cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên 1917. Bộ phim đầu tư kinh phí khoảng 800 triệu đồng, có sự góp mặt của một số nghệ sĩ nổi tiếng của cả nước. Phim đã đoạt giải Bạc của Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30.
Cùng một chủ đề, nhưng tiểu thuyết “Thái Nguyên - 2017” truyền tải đầy đủ, trọn vẹn hơn ý tưởng của nhà văn mà tác phẩm điện ảnh (vì nhiều lý do) khó thể hiện được. Chưa kể một số sai lệch về sự kiện, tính lô-gic của phim khiến tác giả kịch bản không thực sự hài lòng. Đây là kiểu tác phẩm “cặp đôi”( tiểu thuyết và điện ảnh) thứ hai của Nhà văn Hồ Thủy Giang, sau cặp đôi “Tể tướng Lưu Nhân Chú”, bộ phim truyền hình 5 tập cũng do Đài Phát thanh Truyền hình Thái Nguyên sản xuất năm 2015 và cuốn tiểu thuyết lịch sử cùng tên, xuất bản năm 2016.

 

… Mà nao nao buồn

 

Đến thời điểm này, người viết tiểu thuyết lịch sử ở Thái Nguyên rất hiếm hoi. Năm 2016, Nhà văn Ma Trường Nguyên cho ra mắt cuốn “Ông Ké thượng cấp” viết về Hồ Chủ tịch những ngày ở ATK Định Hóa. Đây là tác giả thứ hai (sau nhà văn Hồ Thủy Giang) viết tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên.

 

Không giấu tâm trạng xót xa, Nhà văn Hồ Thủy Giang tâm sự: “Thái Nguyên của chúng ta có bề dày lịch sử nhất nhì so với cả nước. Những sự kiện lịch sử, những địa danh lẫy lừng trong công cuộc dựng nước và giữ nước trên mảnh đất này rất nhiều. Thời phong kiến như Lý Nam Đế (hoàng đế đầu tiên, vị vua lập nên nước Vạn Xuân), Dương Tự Minh, Đỗ Cận… Thời kỳ Cách mạng và Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như Tràng Xá, Võ Nhai, Nhà tù Chợ Chu, cơ sở Đảng đầu tiên ở La Bằng (Đại Từ), ATK Định Hóa, ATK 2 (Phổ Yên, Phú Bình); núi Cô Kê; đồi Két Nước; trận bom ngày 17-10-1967 ở cầu Gia Bẩy… nhiều vô cùng, lớn lao vô cùng. Những gì tôi viết được từ trước đến nay mới chỉ như muối bỏ bể, thật bé nhỏ, ít ỏi so với tầm vóc lịch sử sừng sững cha ông ta để lại”.

 

Thực tế cho thấy, viết tiểu thuyết lịch sử là việc khó. Bởi, ngoài năng lực văn chương, tác giả còn phải làm việc như một nhà khoa học, tiếp cận nhân chứng, vật chứng, tư liệu, sàng lọc công phu, đòi hỏi người viết vừa tỉ mỉ nghiêm khắc vừa có trí tưởng tượng phong phú. Nói như Nhà văn Đan Mạch Sally Altshuler thì người viết tiểu thuyết lịch sử phải nắm vững những tư liệu như “chính trị, kinh tế, xã hội đến văn học, văn hóa…, để “ viết một mét thì phải sở hữu kiến thức lịch sử 1 kilomet”.

 

Nhiều năm nay, chương trình giảng dạy lịch sử địa phương đã trở thành chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Trong hoàn cảnh hiện tại, do nhiều nguyên nhân, học sinh đang có chiều hướng xa rời môn lịch sử thì việc đọc tiểu thuyết lịch sử cũng là một cách học sử dễ thấm nhất.

 

Hai cuốn tiểu thuyết lịch sử gần đây của Nhà văn Hồ Thủy Giang, được sự tài trợ về tài chính của doanh nhân Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh (Đại Từ), với vài nghìn bản sách gửi tặng học sinh toàn tỉnh, đã là một sự đi đúng hướng, đã góp phần vào tinh thần “Dân ta phải biết sử ta” mà Bác Hồ đã dạy.

 

Tuy nhiên, việc trân trọng, giữ gìn, phát huy lịch sử thông qua con đường văn chương hoàn toàn không phải là việc đơn giản. Viết tiểu thuyết lịch sử luôn kỳ công, khó nhọc như đã nói ở trên nên thể loại này có rất ít nhà văn lựa chọn. Chưa kể tới việc phát hành các tiểu thuyết lịch sử cần phải đúng đối tượng thì mới có hiệu quả cao. Vì vậy, nó không thể chỉ trông cậy vào sự nỗ lực đơn phương của các nhà văn mà rất cần sự quan tâm sâu sắc bằng cả tinh thần và vật chất của chính quyền, đoàn thể và các nhà tài trợ có tâm huyết với lịch sử nước nhà (như trường hợp doanh nhân Nguyễn Văn Thắng).

 

Có lẽ đã đến lúc tỉnh Thái Nguyên cần có một sự “ra quân” nào đó về phương diện này. Sẽ là hết sức lỗi lầm nếu chúng ta bỏ quên quá khứ, nhất lại là một quá khứ hào hùng của một vùng đất nhiều đau thương và oanh liệt như Thái Nguyên.