Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch

14:11, 24/05/2018

Trải qua 60 năm (1958 - 2018) dãi dầu cùng mưa nắng, di tích Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, nơi Bác đã gắn bó 11 năm cuối đời vẫn nguyên vẹn và sống động như khi Người còn sống và làm việc nơi đây. Di tích ngày càng phát huy giá trị, luôn là một "địa chỉ đỏ", góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo chân các cán bộ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chúng tôi được tới thăm Nhà sàn Bác Hồ đúng dịp kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Người (19-5-1890 - 19-5-2018). Ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị nằm bên hồ nước trong xanh, giữa vườn cây trái xanh mát đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người con đất Việt, trở thành hình ảnh thân thương, ấm áp mỗi khi nghĩ đến Người. Từ ao cá Bác nuôi, chiếc ghế chao mây Bác vẫn nằm sau những ngày làm việc vất vả, tới chiếc mũ cát, chiếu cói…; tất cả đều sáng bừng phong cách sống vô cùng giản dị mà thanh cao của Bác. Cuối năm 1954, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi hoàn toàn, hòa bình lập lại ở miền bắc, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, sống và làm việc tại khu vực Phủ Chủ tịch, trong ngôi nhà của người phục vụ điện cho Phủ Toàn quyền Ðông Dương. Ðã nhiều lần Trung ương Ðảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới tốt hơn nhưng Người đều từ chối, bởi miền bắc vừa giải phóng còn gặp nhiều khó khăn trong khôi phục kinh tế, miền nam đang tập trung đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Mãi tới bốn năm sau, Bác mới đồng ý làm một ngôi nhà nhỏ bên kia bờ ao cá theo kiểu của đồng bào Việt Bắc. Sau hơn một tháng thi công, ngày 17-5-1958, Bác chính thức chuyển về ở và làm việc tại Nhà sàn.

Ngôi nhà sàn thân thương đó là nơi đã ghi dấu nhiều dấu ấn quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền bắc, Người đã viết lời kêu gọi đồng bào quyết tâm đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Cũng tại đây, Người viết Bản Di chúc lịch sử với những căn dặn tâm huyết để lại cho đời sau… Có thể nói, Di tích Nhà sàn Bác Hồ không chỉ là nơi gắn với cuộc sống sinh hoạt và làm việc của Người những năm tháng cuối đời mà còn thể hiện rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như phẩm chất cách mạng cao đẹp của một người hết lòng vì đất nước, dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì tình hữu nghị, hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát huy giá trị Di tích Nhà sàn Bác Hồ, ngay sau khi Bác mất, công tác bảo quản, lưu giữ những tài liệu, hiện vật liên quan đến Người đã được Ðảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ðồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Ðược xác định là di tích trung tâm trong quần thể Khu Di tích Phủ Chủ tịch, công tác bảo vệ, giữ gìn nguyên trạng, lâu dài Di tích Nhà sàn luôn được đặt lên hàng đầu để phục vụ tốt nhất công tác tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đặc thù vừa phải bảo quản tài liệu, hiện vật trong nhà, vừa phải bảo quản chính ngôi nhà cùng môi trường cảnh quan chung trong điều kiện chịu áp lực trực tiếp từ thời gian, môi trường khí hậu tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp từ tác nhân con người cho nên công tác bảo quản Di tích Nhà sàn gặp không ít khó khăn. Việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả bảo quản cũng khó áp dụng do Di tích Nhà sàn vẫn phải bảo đảm gìn giữ trong môi trường tự nhiên không nhà kính, không điều hòa nhiệt độ, không công nghệ khí khô… Ðiều này đòi hỏi công tác bảo quản luôn phải tiến hành liên tục hằng ngày, kết hợp giữa bảo quản thông thường và bảo quản khoa học, giữa bảo quản ngắn hạn và dài hạn, song song với chế độ tu bổ định kỳ, chống xuống cấp di tích như: chống lún nứt nền nhà, xử lý chống dột, tu bổ cải tạo vườn cây ao cá…; bảo đảm vừa lưu giữ Di tích, vừa phục vụ nhu cầu tham quan.

Theo thống kê từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, trong gần 50 năm qua, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nói chung và Nhà sàn Bác Hồ nói riêng đã đón hơn 72 triệu lượt khách từ hơn 160 quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 100 đoàn nguyên thủ quốc gia và hàng trăm đoàn quốc tế cấp cao. Việc phát huy giá trị Di tích Nhà sàn Bác Hồ được đặc biệt chú trọng thông qua đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: Từ chuyên nghiệp hóa nội dung, đội ngũ thuyết minh viên đến đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xuất bản đặc san, thường xuyên tổ chức các tọa đàm, hội thảo khoa học, triển lãm... Tuy nhiên, theo các chuyên gia di sản, để bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của Di tích Nhà sàn Bác Hồ, vẫn cần triển khai thêm nhiều hoạt động thiết thực để có thể phát huy ở mức cao nhất tính hấp dẫn, sức thuyết phục của di tích. Theo chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, Cán bộ Phòng Tuyên truyền - Giáo dục, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Hiện các vật dụng đang trưng bày tại Di tích Nhà sàn chưa phản ánh đúng số lượng hiện vật vốn có ban đầu. Theo thống kê vào năm 1970, nơi đây vốn có 312 hiện vật, nhưng thực tế đến nay chỉ có 255 tài liệu được trưng bày. Ðiều này ít nhiều đã hạn chế chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác trưng bày cũng như tuyên truyền giáo dục. Qua nhiều biến cố lịch sử, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối những hiện vật quý giá này, nhiều hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được chuyển sang cất giữ tại kho của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ðể phát huy cao nhất giá trị của những hiện vật và đáp ứng nhu cầu được tận mắt chứng kiến những hiện vật gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của Bác, việc sưu tầm và trưng bày bổ sung các hiện vật cho Di tích Nhà sàn là việc cần thiết và không nên chậm trễ hơn.

Sức hấp dẫn của Di tích Nhà sàn không chỉ nằm ở những hiện vật, tài liệu được trưng bày mà còn nằm ở chính những câu chuyện gắn với từng hiện vật. Vì thế, theo đồng chí Trương Xuân Mai, Cán bộ Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Cần tiếp tục nghiên cứu sâu về lô-gích, trật tự trong cách sắp xếp các đồ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giới thiệu tới du khách, bởi mọi sự sắp xếp của Người đều không phải tùy hứng, ngẫu nhiên. Ðể tăng tính thuyết phục, nên khai thác chiều sâu các di tích, hiện vật, gắn các hiện vật với bối cảnh lịch sử.

Nước ta hiện có gần 700 di tích và địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phân bố ở hơn 30 tỉnh, thành phố. Trong đó, có một số tỉnh, thành phố cũng xây dựng mô hình Nhà sàn Bác Hồ như Ðà Nẵng, Cà Mau, Ðồng Tháp, Trà Vinh, Yên Bái. Do đó, theo các chuyên gia, để phát huy cao nhất công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bên cạnh việc kết nối Di tích Nhà sàn tại Phủ Chủ tịch với các điểm đến tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô, cũng cần nghiên cứu để đề xuất những tua, tuyến kết nối các điểm di tích liên quan đến Bác trên địa bàn cả nước để công chúng, du khách quốc tế được tìm hiểu toàn diện, sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh.