Lễ hội đầu xuân là sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt Nam từ ngàn đời xưa. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, nét đẹp này đang có xu hướng bị biến tướng khi tại nhiều lễ hội, diễn ra cảnh tranh giành, cướp lộc; lợi dụng tâm linh để trục lợi… Nhiều chốn tôn nghiêm vì vậy bị trần tục hóa, không gian linh thiêng trở nên méo mó, biến dạng.
Hỗn loạn và phản cảm
Những ngày đầu xuân, trong không khí rộn ràng khai hội khắp mọi miền, thật vui khi ở nhiều lễ hội như chùa Hương, đền Gióng (Hà Nội), Ném Thượng (Bắc Ninh)… có những khởi sắc tích cực trong khâu tổ chức, quản lý. Nhưng, nhiều người đã lại phải thất vọng, bàng hoàng trước những hình ảnh phản cảm từ một số lễ hội vừa diễn ra. Ấy là cảnh hỗn loạn tại Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) diễn ra ngày 12 tháng Giêng (tức ngày 16-2), khi cả nghìn thanh niên trai tráng cùng lao vào sân cướp phết, bất chấp hệ thống hàng rào và sự ngăn cản của hàng trăm chiến sĩ công an được bố trí dày đặc. Mặc dù từ đầu năm, đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội này đã được chính quyền địa phương chuẩn bị với các phương án cụ thể, kỹ lưỡng nhưng trên thực tế vẫn không thể tránh được tình cảnh "vỡ trận" khi dòng người đổ về quá đông. Tình trạng chen lấn, hỗn loạn diễn ra khó kiểm soát dẫn đến hoạt động đánh phết buộc phải dừng tổ chức trong ngày 13 tháng Giêng (17-2) và các năm tiếp theo. Sau khi thông báo này được phát ra, một bộ phận thanh niên đã có những hành động quá khích mang tính chất quấy rối như la hét, đánh trống ầm ĩ để phản đối, gây hiện tượng lộn xộn ngay trước không gian cửa đền linh thiêng. Tương tự, cảnh hỗn loạn cũng diễn ra ở lễ hội Ðúc Bụt (Vĩnh Phúc) khi hàng trăm thanh niên xã Ðồng Tĩnh lao vào tranh cướp, giành giật những mảnh, cọng chiếu với hy vọng sinh được con trai; kể cả những bạn trẻ thậm chí còn chưa lập gia đình. Hay tại lễ hội Ông Cầu (Phú Thọ), việc tái hiện nghi thức giàu ý nghĩa dưới thời Vua Hùng nay đã trở thành cuộc rượt đuổi bắt lợn của trai tráng với màn thi nhau nhổ lông lợn để cầu may. Mới đây nhất, tại lễ khai ấn đền Trần (Nam Ðịnh) đêm 14 tháng Giêng, cảnh chen lấn, hỗn loạn cũng diễn ra khi cả biển người tràn vào sân đền dâng lễ, lấy lộc, xô đẩy để xin ấn, thi nhau ném tiền lẻ, nhét tiền vào cửa hậu cung…
Thật đáng buồn khi lẽ ra lễ hội là không gian để gắn kết cộng đồng trong một mạch nguồn văn hóa thì giờ lại biến thành nơi chứng kiến người ta tranh giành, va chạm, thậm chí gây gổ nhau để "cướp" những vật phẩm được cho là may mắn. Những hình ảnh xấu xí này không những là biểu hiện của sự quá khích, bất kính nơi tôn nghiêm, làm sai lệch giá trị truyền thống của lễ hội, mà còn cho thấy những lệch lạc trong nhận thức và hành vi ứng xử của một bộ phận không nhỏ người tham gia, đặc biệt là giới trẻ. Họ lẽ ra phải là lực lượng tiên phong trong bài trừ những hành xử lạc hậu, quan niệm sai lệch thì giờ lại có vẻ như đang lạc vào "cõi mê" trước sự dẫn dụ của tâm lý đám đông. Có cảm giác, đi lễ hội giống như tham gia phong trào, càng đông vui càng thích, người này đi người kia cũng phải đi. Lễ hội ngày càng xô bồ, đông đúc, nhưng chẳng mấy ai hiểu về thần tích lễ hội mình đang đến hay biết đình, đền, chùa này thờ ai, cần thực hành tín ngưỡng thế nào... Dường như phần lớn đều tham gia với sự lơ mơ về hiểu biết tín ngưỡng, nên tất yếu dẫn đến những ứng xử lệch chuẩn.
Lợi dụng tâm linh để trục lợi
Ði lễ cốt để cầu an nhưng với quan niệm của không ít người, đi lễ hội ngày nay là để cầu danh, cầu tài, cầu lợi. Họ mang quan niệm "trần sao âm vậy" và mang cả tâm lý xin-cho trong cuộc sống thực tại vào thế giới tâm linh, nên việc hành lễ cũng đậm màu vật chất. Cho rằng lễ vật càng lớn thì bổng lộc càng nhiều nên người ta thi nhau đốt vàng mã, rắc tiền lẻ ở khắp mọi nơi, sắm mâm cao cỗ đầy, nhét tiền vào tay tượng, lấy tiền giấy đánh bóng chùa... để "hối lộ", "mua chuộc" thần linh nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân. Vậy mới có chuyện nhiều người tìm đến đền Ông Hoàng Bảy (Lào Cai) để cầu lộc lô đề, buôn hàng lậu...; chen nhau đến đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) mong được vay trước trả sau, trở thành "con nợ" của Bà Chúa; hay tìm mọi cách lấy được ấn đền Trần (Nam Ðịnh) để rộng đường quan lộ... Và có cầu ắt có cung, khi mà những quan niệm lệch lạc cùng những hành vi biến tướng được nhân rộng, trở nên phổ biến thì cũng là lúc hiện tượng trục lợi từ tâm linh xuất hiện. Một số cơ sở thờ tự bỗng chốc biến thành nơi "buôn thần bán thánh" với sự xuất hiện của hàng loạt những dịch vụ cúng thuê, khấn thuê, thậm chí là lấy ấn thuê; đi kèm là dịch vụ coi bói, xem tử vi, tướng số... Vào những ngày chính hội, không ít nơi nghiễm nhiên tăng phí vào chiêm bái, tăng cả giá vé gửi xe, dịch vụ ăn uống... Hòm công đức ở một số điểm thờ tự cũng được bố trí dày đặc một cách có chủ đích.
Những ngày này, nhức nhối nhất phải nói đến hoạt động cúng sao giải hạn được triển khai rầm rộ khiến các đền, chùa thường xuyên trong tình trạng quá tải. Hình ảnh chẳng còn xa lạ, ấy là cứ mỗi mùa dâng sao giải hạn, hàng nghìn người lại đổ về Tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội), ngồi chật kín từ sân tới lối đi, thậm chí ngồi tràn ra cả vỉa hè, lòng đường, sát tới tận thành cầu vượt Ngã Tư Sở để dự khóa lễ. Những sân chùa lớn như Quán Sứ, Một Cột... hay các chùa làng cũng chật kín người đến đăng ký dâng sao giải hạn. Dù vài năm gần đây, nhiều chức sắc Phật giáo đã lên tiếng khẳng định giáo lý nhà Phật không hề có chuyện tiến hành cúng sao giải hạn, giải trừ sao xấu. Nhưng trên thực tế, nhu cầu này của người dân chưa bao giờ hạ nhiệt mà trái lại đang có dấu hiệu tăng lên. Theo ghi nhận, muốn được giải trừ sao xấu, mỗi phật tử đều phải nộp tiền, mức phí dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng/người tùy từng chùa. Với những chùa lớn, số tiền thu về từ hoạt động này đương nhiên không nhỏ. Ðược tiêu trừ hạn xấu, đuổi rủi lấy may là mong muốn chính đáng của người dân. Song rõ ràng, mong muốn này đang bị đẩy lên thái quá đến mức cuồng tín, đi kèm là biểu hiện trục lợi của những cơ sở thờ tự. Theo Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, hậu quả của việc cúng sao giải hạn tràn lan không chỉ là sự tốn kém tiền của từ các gia đình, mà còn dễ dẫn đến sự mất mát niềm tin và định hướng đúng đắn. TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định: Người ta chỉ có thể thực hiện cuộc sống yên lành, tốt đẹp bằng nâng cao nhận thức và hành động đúng. Buôn thần bán thánh là việc làm của người lợi dụng đức tin, khó khăn trắc trở của con người trong cuộc sống để kiếm ăn, xưa đã có nay vẫn còn. Tuy nhiên, trong xã hội khoa học và tiến bộ, những hoạt động lạm dụng không vì nét đẹp văn hóa đó cần được nhận diện và loại trừ. Nhiều chuyên gia văn hóa nêu ý kiến, đối với hoạt động cúng sao giải hạn tràn lan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên có sự lên tiếng mạnh mẽ và chính thức để tuyên truyền cho phật tử hiểu, đồng thời kêu gọi các cơ sở thờ tự không tiếp tục tiến hành hoạt động này.
Thời gian gần đây, để hạn chế những biểu hiện mê tín dị đoan, trục lợi cùng những hình ảnh phản cảm trong lễ hội, ngành văn hóa-du lịch đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và tổ chức. Một số lễ hội là điểm nóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã được khoanh vùng, mang ra nghiên cứu, mổ xẻ để tìm giải pháp trực diện giải quyết. Công tác thanh, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội được đẩy mạnh. Nhờ đó, nhiều hành vi phản cảm thường thấy như đổi tiền lẻ thu chênh lệch, đặt tiền giọt dầu không đúng nơi quy định, chèo kéo, hét giá, rút quẻ thẻ... nhìn chung đã giảm. Ðặc biệt, Nghị định số 110/2018/NÐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực đã trở thành hành lang pháp lý để hoạt động lễ hội đi vào khuôn khổ. Ðơn cử, quyết định dừng hoạt động đánh phết trong Hội phết Hiền Quan do không bảo đảm được an ninh, an toàn là một quyết định có trách nhiệm của đơn vị có thẩm quyền theo đúng tinh thần Nghị định. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, đây chỉ là những giải pháp quản lý mang tính hành chính hóa tức thời, không thể chấn chỉnh hoạt động lễ hội về mặt bản chất. Muốn xóa bỏ tận gốc những lệch lạc, biến tướng trong lễ hội cần thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng - chủ nhân, cũng là đối tượng thực hành lễ hội. Và giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài không gì khác là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục. Ðã đến lúc, vấn đề giáo dục tâm linh, giáo dục cách ứng xử khi tham gia lễ hội, khi đến các cơ sở thờ tự cần được nghiên cứu để đưa vào giảng dạy trong nhà trường một cách có hệ thống. Chỉ khi thay đổi được những hành vi nhỏ nhất theo hướng tích cực khi thực hành lễ hội mới mong thay đổi được diện mạo nói chung của lễ hội.