Từ lâu, người Việt đã có tục chơi chữ thư pháp, người Thái Nguyên cũng không nằm ngoài lệ tục văn hóa đẹp này. Nhất là vào dịp đầu xuân mới, việc chơi chữ thư pháp được thông qua hình thức xin chữ, cho chữ và được ví như món quà thanh tao, sâu sắc của triết học và tâm linh, hướng lòng người về các giá trị của chân, thiện, mỹ.
Nói đến xin chữ, cho chữ, người sành chữ thường nhắc nhớ về Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Nhưng đó là chuyện của trước đây. Bởi từ lâu thú chơi chữ tao nhã lan truyền về nhiều vùng quê của đất Việt. Không phân biệt giàu nghèo hay già trẻ, người hiểu chữ, thích chữ thì chơi chữ. Thư pháp được thể hiện trên nhiều loại vật liệu khác nhau, như: Bình gốm xứ, trên gỗ, tre, trúc, vải, giấy… Với riêng Thái Nguyên, thú chơi chữ được phổ quát rộng rãi từ phố về làng. Nhưng mang nét khác biệt, độc đáo là được các nghệ nhân kỳ công viết chữ và dệt thành chữ trên tấm mành cọ.
Nhưng vào dịp đầu Xuân thì chữ thường được thể hiện trên giấy hồng điều. Có nghệ nhân công phu chuẩn bị sẵn giấy, mực từ ngày Đông chí. Quan niệm ngày Đông lạnh giá cũng là lúc hơi ấm mùa xuân đang về rất gần. Trên giấy hồng điều ấy được nghệ nhân vẽ trước phong cảnh đôi gò bồng đảo đầy búp chè nhú lên mỡ màng; rồi cảnh hồ Núi Cốc, sông Công, năm 2019 có thêm cảnh cây cầu Bến Tượng (T.P Thái Nguyên) bắc ngang dòng sông Cầu… Tranh được treo lên giá, người chơi tùy tâm ý lựa chọn, xin chữ mình mong ước để “thầy đồ” họa vào. Nhanh, tiện mà hợp với tâm ý mỗi người.
Thật khó cầm lòng khi đứng trước ông đồ Nho. Nhất là lúc ngắm nhìn ông đồ hí hoáy múa bút trên nền giấy hồng điều, cảm nhận như bao tinh lực ông đồ dồn nén, để chợt nhớ câu thơ: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua”. Ở Thái Nguyên không có ông đồ ngồi bên phố, mà thường ở Khu vực Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; đền Xương Rồng; chùa Phù Liễn; chùa Hang (T.P Thái Nguyên)… Dù đông người lại qua, nhìn ngắm, bàn chuyện đời, song không ảnh hưởng đến bút pháp của ông đồ. Cái chất đĩnh đạc, thư thái, an tọa để toàn tâm lực: “Hoa tay thảo những nét/Như phượng múa, rồng bay”.
Cũng là chữ viết trên giấy, nhưng chữ thư pháp ngày Xuân thể hiện mong ước lớn lao của người xin chữ; đồng thời thể hiện được tài, độ của ông đồ. Các cụ đồ nho thâm thúy, sâu sắc, bụng chứa “bồ chữ” nhưng không dễ dãi khi phóng bút. Đấy là cái tâm, đức của bậc hiền nhân. Những năm gần đây, cơ chế thị trường tác động vào đời sống xã hội, việc xin chữ, cho chữ ở hình thức mua bán rõ ràng. Vậy nên các ông đồ chủ ý hướng tới mục tiêu phục vụ người chơi chữ. Người mua thích chữ gì đều được ông đồ đáp ứng. Kinh tế thị trường tác động sâu sắc tới đời sống xã hội. Và trong xã hội có nhiều “họa nhân” chọn việc bán chữ làm nghề kiếm thêm trong dịp đầu xuân. Vậy nên ngoài chữ Hán, có chữ quốc ngữ. Và nếu thích thầy có thể viết bằng chữ Hàn Quốc, Anh quốc và chữ Nhật Bản…
Đành là chữ nào cũng mang tải một nền văn hóa của dân tộc, và được viết theo lối thư pháp, nên đều đẹp như nhau. Cũng có nhiều ông đồ lấy việc viết chữ thư pháp là một cách làm thêm, nên thường tự quảng bá, kéo khách. Rồi ngoài việc viết chữ, bán chữ tại chiếu chữ, nhiều ông đồ đã có ý tưởng phục vụ khách hàng (người xin chữ) linh hoạt giống việc người ta “ship hàng”, gửi sản phẩm đến địa chỉ người có nhu cầu chơi chữ thông qua xe khách; đường bưu điện hoặc gửi người thân quen.
Chuyện cho chữ, xin chữ, một cụ già thở dài, bảo: Nhiều người chơi chữ vì chạy theo tâm lý đám đông, thấy người ta xin được chữ thì mình cũng xuýt xoa mà xin. Mang về không biết treo xuôi, treo ngược thế nào, lại vo tròn ném bỏ thùng rác. Chỉ có ít người cao niên là cẩn trọng khi xin chữ. Có người hằng năm vào độ xuân đều xin chữ, nên đã có sự chuẩn bị xin chữ gì từ ở nhà. Cũng có cụ đi hội thấy hay mắt, ghé hàng nghiên, cẩn thận chào hỏi lịch lãm, xin được ông đồ giải nghĩa ngữ câu từ. Khi thật thấu nghĩa của chữ mới đặt ông đồ viết chữ mình cần. Còn đại bộ phận trong giới trẻ xin chữ với suy nghĩ vui là chính.
Về giá của chữ, có thể là vài triệu đồng hoặc vài nghìn đồng/chữ. Giá chữ cao, thấp phụ thuộc vào tờ “tranh chữ” to hay nhỏ. Một ông đồ giải thích: Không quan trọng là viết bằng chữ nước nào, vì giá trị của tranh nhiều hay ít phụ thuộc vào việc đầu tư nhiều mực và giấy. Giấy khổ lớn, viết hết nhiều mực thì đương nhiên người chơi chữ phải trả nhiều tiền hơn so với tranh chữ trên khổ giấy nhỏ.
Thời công nghệ điện tử, người chơi chữ thực tế hơn, thường đặt ông đồ cho chữ phù hợp với hoàn cảnh, công việc của bản thân. Cụ Trần Văn Tuấn, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) đưa cháu nội đi chơi chùa Phù Liễn, thấy cháu nấn ná bên chiếu chữ, cụ hỏi: Cháu thích chữ gì: Cháu nhỏ nói: Cháu thích chữ “lộc”. Cũng bên chiếu chữ, tôi thấy nhiều người đặt ông đồ họa cho chữ: Phúc, lộc, thọ...
Đến chiếu chữ đền Xương Rồng (phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên), cụ Phan Văn Lẫm nói: Mỗi chữ đều có ngữ, có nghĩa riêng. Phải hiểu ý thâm sâu của chữ thì mới nên xin, không nên thấy chữ thì xin cho vui. Ví như chữ “Nhẫn”, bao gồm chữ “Đao”, cây đao ở trên chữ “Tâm”. Chữ “Đao” biểu trưng cho kỷ luật, mang tính khách quan, bị động. Trạng thái nhẫn cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn phải chịu đựng, không được hành xử hấp tấp vì sẽ làm cho mũi dao lún sâu hơn, phải bình tĩnh xử lý.
Còn cụ Hoàng Văn Thực, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) tâm đắc: Đi xin chữ đầu Xuân là thể hiện được người có đức hiếu học. Nhưng không nhất thiết phải xin chữ Nho, chữ Hán, chữ Hàn…vì chữ Việt Nam ta cũng có giá trị. Mình xin chữ Việt cũng là một cách thể hiện tinh thần yêu nước. Mà là yêu nước một cách có văn hoá. Cụ dừng lời, tay vuốt chòm râu bạc, nhã nhặn nói với ông đồ: Xuân Kỷ Hợi 2019, thầy cho tôi xin chữ “Bình an”.
Ông đồ già hỉ xả vẻ tâm đắc như gặp được tri kỷ, gật đầu, trải giấy hồng điều, mài mực tàu, nhấp bút. Sau một loáng đã thấy trên khổ giấy đỏ một bức tranh được vẽ bằng chữ quốc ngữ đẹp mê hồn. Thế mới thấy sự thâm sâu của các bậc cao niên khi đi xin chữ; cũng đồng thời thấy tài nghệ của người cho chữ… Cụ Thực hai tay đón chữ, miệng nói lời cảm tạ. Chứng kiến cuộc trao đổi giữa người cho chữ và người xin chữ ở “cửa thánh hiền”, tôi thấy mình như được lây niềm hoan hỷ của thú chơi chữ ngày Xuân. Và tôi nghĩ: Thú chơi chữ là một nét đẹp văn hoá, vậy nên mỗi người cần có cái tâm trong sáng.