Sau ba năm, kể từ năm 2016, các nghệ sĩ sân khấu tuồng, dân ca kịch cả nước lại có dịp tái ngộ trong Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 diễn ra từ ngày 11 đến 20-5 tại Nhà hát Lam Sơn, Thanh Hóa. Với 16 vở diễn của 11 đơn vị nghệ thuật, liên hoan cho thấy những tín hiệu vui hứa hẹn sự chuyển mình của sân khấu truyền thống, đồng thời đặt ra không ít băn khoăn, trăn trở cho những người làm nghề.
Trong bối cảnh sân khấu truyền thống nói chung đang thiếu vắng người xem, thật đáng ngạc nhiên khi những suất diễn của Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 vẫn thu hút đông đảo khán giả tới thưởng thức. Điều này cho thấy, công chúng vẫn dành sự quan tâm đối với nghệ thuật truyền thống và hy vọng vào những đổi mới, sáng tạo. 16 tác phẩm tham dự liên hoan dù thuộc thể tài chính kịch tâm lý xã hội, sinh hoạt tả thực, anh hùng ca hay bi kịch, bi hài kịch cũng đều chuyển tải giá trị nhân văn sâu sắc khi thể hiện được chiến thắng của chính nghĩa, lẽ phải; khắc họa những xúc động, sâu lắng của tình đời, tình người…
Giữ vai trò cầm cân nảy mực cho các vở diễn trong liên hoan lần này phần lớn là những gương mặt đạo diễn dày dạn kinh nghiệm, có phong cách riêng và giàu tâm huyết với nghiệp Tổ, như: các NSND Lê Tiến Thọ, Lê Hùng, Hoài Huệ, Hoàng Quỳnh Mai; các NSƯT Đặng Bá Tài, Triệu Trung Kiên, Hoàng Ngọc Đình, La Thanh Hùng… Vì vậy, hầu hết vở diễn được các đồng nghiệp nhận định là chuyên nghiệp, minh bạch về chủ đề, rõ ràng về cốt truyện, trong sáng về hình thức. Vẫn bám sát kết cấu tự sự - kịch tính - trữ tình, vẫn tuân thủ thủ pháp ước lệ, cách điệu, tượng trưng của sân khấu tuồng, dân ca kịch truyền thống, nhưng nhiều vở diễn đã có những cách tân, tìm tòi; tạo ra nhiều lớp, mảng miếng, trò diễn sân khấu gây ấn tượng khó quên trong lòng khán giả, như: Thạch Sùng đập vỡ mẻ kho (Cái mẻ kho), Quan Lê Đại Cang khiêng võng (Hoạn lộ, Quan khiêng võng), giết Thái Bảo bằng dàn trống Tây Sơn, Bùi Thị Xuân bị bắt bằng hàng vây giáo mác (Chói rạng sơn hà), nhân dân lao động nâng, dựng đỡ bệ rồng (Trung thần)… Ở một số vở như Triết Vương Trịnh Tùng, Chói rạng sơn hà…, những thủ pháp về âm nhạc và ánh sáng được xử lý khéo léo, đã thật sự trở thành yếu tố giữ nhịp, tiết tấu; tăng tính hấp dẫn, sinh động cho vở diễn. Nhiều lớp múa đẹp ở một số vở cũng tham gia tích cực vào nội dung vở, góp phần làm dịu tâm lý khán giả sau những lớp diễn căng thẳng. Nhờ đó, những tác phẩm nhìn chung vừa bảo đảm đặc trưng, đặc thù thể loại, vừa mang sức sống, hơi thở hiện đại.
Tuy nhiên, liên hoan cũng bộc lộ những nhược điểm đòi hỏi người làm sân khấu tuồng, dân ca kịch cần nghiêm túc nhìn nhận và thay đổi. Theo PGS,TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, một số vở kết cấu thiếu chặt chẽ, lô-gích, lớp thừa - lớp thiếu, lớp dài - lớp ngắn. Có vở mở màn theo tuyến nhân vật này nhưng kết thúc lại chạy sang tuyến khác. Đặc biệt, kịch hát vốn được thể hiện bằng hình thức thơ - như: nói thơ, thoại thơ, hát thơ, múa thơ, nhạc thơ, nhất là thể văn biền ngẫu, nhưng cũng có không ít vở thiếu thi pháp cơ bản này, dẫn đến thực trạng “kịch nói cắm tuồng”, “kịch nói cắm dân ca”. Có vở dùng ngôn từ đương đại và đôi chỗ thiếu thẩm mỹ cho nên khắc họa hình tượng các danh nhân chưa được ngang tầm với chính họ trong lịch sử. Bên cạnh đó, còn vài vở lạm dụng trang trí khiến sân khấu thừa vật cảnh, choán mất không gian hành động của diễn viên hoặc làm phân tán sự chú ý của khán giả. Bên cạnh các giọng ca như Hoàng Hà, Mạnh Linh, Lộc Huyền, Kiều Oanh, Thiên Huế, Băng Châu… có thể khiến người nghe “sướng tai”, vẫn còn một số diễn viên khi hát bị chênh, phô, hụt hơi. Có diễn viên khi diễn làm rơi đạo cụ như khăn, mũ nhưng xử lý chưa thông minh, hợp lý. Những điều này đòi hỏi họ cần nghiêm túc tôi luyện hơn nữa để khẳng định bản lĩnh của những nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Điều đáng nói ở đây là tại liên hoan, rất ít tác phẩm có cốt truyện hay, mới mẻ, độc đáo; phần lớn là những câu chuyện quen thuộc đã nghe, thấy ở lịch sử, truyền thanh, truyền hình hoặc đã được đơn vị nào đó diễn theo thể loại khác. Điều này cho thấy, cũng như các loại hình sân khấu truyền thống khác, tuồng và dân ca kịch đang lâm vào tình trạng khủng hoảng thiếu kịch bản hay, mới: Mười trong số 16 tác phẩm tham dự liên hoan đều khai thác đề tài lịch sử với ý nghĩa “lấy xưa vì nay”. Tất nhiên, đề tài lịch sử lâu nay chưa hề cũ, nhàm chán, song sự thiếu vắng những tác phẩm phản ánh cuộc sống hiện đại với ngồn ngộn vấn đề vẫn là khoảng trống đòi hỏi những người làm nghề cần lấp đầy. Thể hiện đề tài đương thời vào tuồng, dân ca kịch không đơn giản, bởi thế, muốn sân khấu truyền thống bứt phá, những người làm nghề trước hết cần đổi mới. Chỉ khi bám chắc hiện thực cuộc sống, sân khấu mới có thể không tụt hậu, từ đó chuyển mình, phát triển.