Quan tâm cải thiện và nâng cao môi trường văn hóa

08:46, 20/05/2019

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng bộ T.P Thái Nguyên đã cụ thể hóa thành Chương trình hành động số 19-CTr/TU với nhiều giải pháp thực hiện cụ thể. Sau 5 năm, các mục tiêu, nhiệm vụ nêu ra trong Nghị quyết, Thành phố cơ bản đều đạt và vượt, từng bước xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo điều kiện cho con người thành phố phát triển toàn diện.

Thời gian qua, Đảng bộ T.P Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng con người phát triển toàn diện. Cụ thể, Thành phố đã xây dựng và triển khai Đề án Phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo T.P Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn đủ về số lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua thống kê cho thấy, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, trong đó có trên 94% giáo viên mầm non, gần 97% giáo viên cấp tiểu học và 92% giáo viên bậc THCS có trình độ trên chuẩn.

Cùng với việc quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, Thành phố cũng chú trọng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia và xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học. Nếu năm 2013, toàn thành phố mới chỉ có 70 trường đạt chuẩn quốc gia thì nay con số này đã là 108/124 trường công lập đạt chuẩn (đạt 87,1%). Tính riêng năm 2018, thành phố đã đầu tư xây mới 159 phòng học, phòng chức năng cho các nhà trường với kinh phí trên 111 tỷ đồng (kinh phí xã hội hóa đầu tư xây dựng trường ngoài công lập trên 410 tỷ đồng). Theo đồng chí Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên: Chất lượng công tác giáo dục và đào tạo ngày càng được hoàn thiện và nâng cao góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của địa phương phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội của thành phố.

 Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Thành phố cũng tăng cường các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, trong đó quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Ông Trần Ngọc Phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phúc Xuân cho biết: Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn xã đến nay đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Hiện, xã có 15/15 xóm có nhà văn hóa kiên cố. Nhà văn hóa thể thao của xã khang trang, có sân bê tông rộng rãi, tường rào bao quanh mới được hoàn thành đưa vào sử dụng. Công trình có tổng giá trị gần 7 tỷ đồng, trong đó cấp trên đầu tư 80% kinh phí, còn lại xã vận động nhân dân đóng góp.

Nói về việc phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, ông Nguyễn Văn Tiến, tổ 7, phường Túc Duyên cho biết: “Nhà văn hóa của tổ hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016 với tổng số tiền xây dựng trên 500 triệu đồng. Ngoài tiền đóng góp của nhân dân, chúng tôi cũng đã nhận được hỗ trợ 100 triệu đồng của Thành phố. Từ khi có nhà văn hóa khang trang chúng tôi rất phấn khởi. Đây là nơi chúng tôi hội họp, sinh hoạt tập thể, người cao tuổi mỗi sáng tập thể dục dưỡng sinh, buổi chiều chơi cầu lông, cờ tướng. Tại nhà văn hóa, tổ cũng được cấp trên đầu tư một tủ sách đa dạng các loại để người dân có nhu cầu đến đọc, nắm được nhiều kiến thức bổ ích”.

Được biết, trong 5 năm qua, Thành phố đã hỗ trợ 7,2 tỷ đồng xây dựng 10 trung tâm văn hóa, thể thao các phường, xã; trên 6,1 tỷ đồng xây dựng 78 nhà văn hóa các xóm, tổ dân phố. Đồng thời hỗ trợ gần 1,4 tỷ đồng mua trang thiết bị văn hóa cho các nhà văn hóa cơ sở. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 630/687 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, tạo điều kiện để nhân dân hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.

Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Thành phố cũng đã chỉ đạo triển khai hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhận xét: Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra của Thành phố đều đạt và vượt so với chỉ tiêu của tỉnh. Có thể dẫn chứng như: Đến nay 100% các xóm, tổ dân phố trên địa bàn thành phố đều xây dựng được hương ước, quy ước, tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết toàn dân, thực hiện nếp sống văn minh nhất là trong việc cưới, tang. Nếu năm 2014, thành phố mới có trên 78% xóm, tổ dân phố văn hóa thì năm 2018 có trên 88% (vượt 18,4% so với mục tiêu của tỉnh). Số gia đình đạt văn hóa năm 2018 của Thành phố chiếm hơn 96% (tăng gần 3% so với năm 2014, vượt trên 6% so với mục tiêu của tỉnh).

Đánh giá sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng bộ T.P Thái Nguyên, mới đây, Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy đã nhận xét: Sự nghiệp văn hóa của Thành phố đã từng bước phát triển mạnh mẽ, trên địa bàn có nhiều công trình văn hóa lớn, các di tích lịch sử văn hóa được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Công tác xã hội hóa ở lĩnh vực văn hóa đã khơi dậy nhiều nguồn lực của xã hội, nhờ đó các thiết chế văn hóa được quan tâm, đầu tư, củng cố, xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân. Môi trường văn hóa ngày càng được cải thiện và nâng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.