Hiện thực vĩ đại làm nên những tác phẩm lớn

14:32, 10/10/2022

Cùng với những ca khúc khải hoàn, Ngày Giải phóng Thủ đô cũng đem lại những cảm xúc thăng hoa cho các nhà thơ, nhà văn, từ đó có những áng thơ văn mang tính biểu tượng, còn lại mãi với thời gian, và cũng có những vần thơ “tiên đoán” trước ngày giải phóng.

 

Thiên nhiên hùng vĩ từ Yên Tử đến Hoàng Liên, từ Trường Sơn đến Trường Sa, từ Hồng Hà bồi lắng văn minh đến Cửu Long cần mẫn phù sa đã đã tạo nên một đất nước tươi xanh, tưng bừng sự sống. Sinh khí và linh khí ấy đã sinh ra những con người từ trẻ thơ đã mang cốt cách của những anh hùng và nghệ sĩ. Và chính con người ở đây, từ nguyên thủy hay từ phương nam, phương bắc, phương đông, phương tây đến, hào hứng chọn nơi đây làm Tổ quốc; đã đời này sang đời khác làm cho đất nước thêm huy hoàng, tráng lệ, làm cho mỗi tấc đất ngọn cỏ đều thiêng liêng thần thánh; vun đắp nên một hào khí Đại Việt-Việt Nam chót vót, một ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Ý chí độc lập, khát vọng hòa bình, ru con, tỏ tình, cày cấy, phá giặc... đều bằng những câu thơ, mơ ước mỗi ngày thường là một ngày thơ, làm cho dân tộc ta trở nên một dân tộc anh hùng và nghệ sĩ, một dân tộc bất khả chiến bại trước mọi thách thức của lịch sử.

Cách mạng Tháng Tám đã làm cho cả dân tộc “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi).

Sự thần kỳ của Cách mạng Tháng Tám làm sống dậy sự thần kỳ trong mỗi người. Ngày 19-8, chàng trai trẻ Xuân Oanh nhập vào dòng biểu tình tham gia giành chính quyền ở Hà Nội, từ Hàng Bài đến Nhà hát Lớn đã sáng tác xong bài hát “Mười chín Tháng Tám”, có những câu:

Mười chín Tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới

Cờ bay muôn nơi tung ánh sao vàng

Máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn

Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề...

Xuân Oanh trở thành nhạc sĩ từ đấy. Ông nhớ lại: “Mười chín Tháng Tám là sản phẩm của cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh của nhân dân và xúc cảm của người dân mới được tự do tạo nên. Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày... vừa đi biểu tình tôi vừa nghĩ và cả lời lẫn nhạc từ đâu ào ạt đến trong tôi, bật ra một cách kỳ lạ”.

Ngày 23-8, cờ đỏ sao vàng mọc trên kinh thành Huế, nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban Tổng Khởi nghĩa Thừa Thiên Huế cảm thấy “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời”. Xuân Diệu say sưa ca ngợi Ngọn Quốc kỳ “Tất cả vải là một cười thắm đỏ/ Tất cả cờ là một tiệc triêu dương!” Chưa hết, ông còn cảm xúc mạnh mẽ trước ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên, và tiên đoán, với nền dân chủ mới, nước Việt sẽ trở nên vĩnh hằng, bừng sáng cùng nhật nguyệt “Hội này đây mặt trời dọi với trăng/ Cả dân tộc đứng hiên ngang nhật nguyệt/ Đất trường cửu ngắm với trời với đất/ Nói vô cùng còn mãi/ Nước muôn năm”.

Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình, trong nguy cơ tái chiếm của thực dân Pháp và âm mưu lật đổ chính quyền công nông của các thế lực phản động khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước 25 triệu đồng bào và toàn thế giới:

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Tại Sài Gòn, Lễ đài độc lập 2/9/1945 dựng trên đường Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn), Đồng chí Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, trong một diễn văn ứng khẩu đầy nhiệt huyết đã bày tỏ quyết tâm của nhân dân Nam Bộ: “Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh chánh phủ (Hồ Chí Minh), chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng... Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!".

Ngày 23/9/1945, Nam Bộ kháng chiến. Ngày 19/12/1946, sau nhiều ngày tháng kiên trì vận động hòa bình vô hiệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Toàn quốc kháng chiến:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Người kêu gọi các chiến sĩ Việt Minh “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Và tinh thần ấy được thể hiện chói sáng trong Trung đoàn Thủ đô, nhân dân Thủ đô trên những chiến lũy cầm chân Pháp, tiêu hao lực lượng địch, để Chính phủ có thời gian sơ tán lên Việt Bắc. Hiện thực hào hùng bi tráng ấy được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật như tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ đô", "Lũy hoa" của Nguyễn Huy Tưởng; nhạc phẩm "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi. Đúng đêm Toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Đình Thi được lệnh sơ tán về làng Khúc Thủy, Hà Đông cùng với Hội Văn hóa Cứu quốc. Dọc đường, hình ảnh Hà Nội rung chuyển trong khói lửa ngút trời khiến ông nghĩ tới câu thơ Thăng Long phi chiến địa (Thăng Long phi chiến địa, Thiên hạ vạn đại xương) mà thật ra, Thăng Long lúc nào cũng là chiến trường chính, bị đau thương, tàn phá trong hầu hết mọi cuộc chiến tranh và cũng là nơi kết thúc vẻ vang trong thắng lợi. Thăng Long bi tráng, oai hùng. Lịch sử hiện về trong hiện tại. Niềm tin yêu hy vọng nhen lên từ bước tạm lui. Đêm ấy, trong một ngôi nhà ven sông Nhuệ, bằng cây đàn piano đã cũ của đồng bào tản cư bỏ lại, Nguyễn Đình Thi (22 tuổi) đã viết nên tráng ca Người Hà Nội bất hủ:

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây.

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm.

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!

Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời.

Hà Nội hồng ầm ầm rung,

Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên!

Cuộc cách mạng này, cuộc kháng chiến này, đất nước Việt Nam từ thế kỷ XX gắn liền với người cha già - lãnh tụ Hồ Chí Minh, tên Người là một niềm tin tất thắng:

Hồng Hà réo sóng say sưa trông Cha bóng Người mênh mông.

Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi,

Trán Người mái tóc bạc thêm.

Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi Người cười.

Tiếng cười.

Ngày về chiến thắng!

Bài hát được đăng lần đầu trên Báo Cứu Quốc Xuân 1947, được các chiến sĩ giao liên vượt vòng vây dày đặc của địch mang đến anh em bộ đội của trung đoàn, tiếng hát “Người Hà Nội” vang lên trên các chiến lũy thành một thôi thúc chiến thắng.

Cách mạng và kháng chiến đã có sức cuốn hút mạnh mẽ lớp văn nghệ sĩ đã thành danh trong các trào lưu văn học nghệ thuật trước năm 1945 và các văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phần lớn là những người lính vừa cầm súng vừa cầm bút như Hồng Nguyên, Chính Hữu, Thôi Hữu, Hữu Loan, Nguyễn Khải, Tạ Hữu Yên, Phạm Ngọc Cảnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Huy Du, Huy Thục... thành một đội ngũ thống nhất và đông đảo, đội ngũ nghệ sĩ-chiến sĩ đầy tài năng, hồng hào niềm tin, sự sáng tạo. Họ làm nên một binh chủng đặc biệt, một “nhà máy” vạn năng sản xuất ra những vũ khí tinh thần vạn năng, có hiệu lực màu nhiệm góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng trong các cuộc kháng chiến và sản sinh rất nhiều năng lượng cho tương lai.

Bây giờ, nhiều nhà nghiên cứu còn băn khoăn, không hiểu vì sao các nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, nhà văn ngày trước, khi tuổi còn rất trẻ, trong hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh lại có thể lại có thể viết nên những tác phẩm để đời như thế. Tôi có thể trả lời: Chính là hiện thực vĩ đại của cuộc sống, chính nghệ sĩ đốt cháy hết mình trong tình yêu Tổ quốc đã làm nên điều kỳ diệu ấy. Yêu nước, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân chính là phẩm chất, là truyền thống đặc biệt của nền văn nghệ Việt Nam và là bí quyết thành công cho mọi cây bút.

Từ các đội tự vệ và lực lượng vũ trang khác, Trung đoàn Thủ đô được thành lập ngày 7/1/1947 tại 51 Hàng Bồ, Hà Nội. Sau hai tháng chiến đấu ngoan cường, anh dũng tiêu diệt được 2.000 tên địch, bảo vệ tản cư thành công; 10 giờ sáng 17/2/1947, Trung đoàn được phổ biến rút khỏi Thủ đô. Nhiều anh em ứa nước mắt vì phải bỏ lại phố phường cho giặc. Có chiến sĩ thắc mắc: “Bác bảo chúng ta quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Ta đã chết đâu mà rút”? Có chiến sĩ căm hờn viết lên tường: “Quân xâm lăng! Chúng tao sẽ trở lại đây một ngày mai. Thủ đô Hà Nội mãi mãi là của dân tộc Việt Nam”. Đêm đó Trung đoàn bí mật vượt sông, bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài. Nhà thơ Chính Hữu, một chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô ghi lại không khí đó trong bài thơ “Ngày về” năm 1947:

Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Mái đầu xanh thề mãi đến khi già

Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại

Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội

Trở về, trở về, chiếm lại quê hương.

Phải nói, tuy phải rút lui, phải tản cư, phải trải qua trường kỳ kháng chiến với nhiều giai đoạn, phải đem gươm giáo, tầm vông đọ với tàu bay, đại bác nhưng lòng tin vào thắng lợi, vào Cụ Hồ muôn người như một. Đến Hoàng, một trí thức luôn dè bỉu dân quê, đa nghi Tào Tháo cũng phải thốt lên: “Ông Cụ làm những việc nó cừ quá, đến nỗi tôi cứ cho rằng dù dân mình có tồi đi nữa, ông Cụ xoay quanh rồi cũng cứ độc lập như thường”.

Còn người cách mạng thì tin tưởng là dĩ nhiên. Nhạc sĩ Văn Cao viết hồi ký: “Trong một buổi sinh hoạt Đảng ờ Liên Khu 3 vào năm 1949, khi quân ta chuyển mạnh sang Tổng phản công, ông gặp Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo (Bí thư và Phó Bí thư Liên khu). Ông Đạo nói: “Nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng, vừa trữ tình nhé... Khi anh Đạo tiễn tôi ra về, anh đã khoác vai tôi trên đường làng một quãng dài. Anh thủ thỉ nói với tôi: “Khẩu hiệu của Trung ương là “Tất cả cho Tổng phản công!” Nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm, cũng là mơ ước của những người dân Thủ đô đấy!”. Và bài hát “Tiến về Hà Nội” đã ra đời và dự báo chính xác: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về / Chúng ta đi reo vui, lúc quân thù đầu hàng / Cờ ngày nào tung bay trên phố”! Những gì diễn ra vào sáng 10/10/1954 theo bước Trung đoàn Thủ đô và Đại đoàn 308 đã đúng y như lời bài hát của Văn Cao trước đó sáu năm!

Tháng 8/1947, ở Việt Bắc, Vũ Hoàng Chương, một “nhà thơ say” trước Cách mạng Tháng Tám đã viết nên một áng thơ về Hà Nội trong Cách mạng tuyệt hay, đó là bài Nhớ về Hà Nội vàng son

Ba mươi sáu phố, ngày hôm ấy

Là những ngành sông đỏ sóng cờ

Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại

Năm cánh xoè trên năm cửa ô.

Đó cũng là không khí chính xác trong ngày tiếp quản Thủ đô, Thủ đô trong ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng!

Không khí, thành quả của Ngày giải phóng Thủ đô còn là cảm hứng bất tuyệt cho các văn nghệ sĩ về sau. Năm 1973, trước thềm kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng Thủ đô, hai chiến sĩ Tạ Hữu Yên, Nguyễn Thành (người có mặt trong đoàn quân tiếp quản) đã cùng làm nên một tác phẩm thuộc hàng hay nhất về Hà Nội: "Cảm xúc Tháng Mười". "Cảm xúc Tháng Mười" đã lan tỏa mạnh mẽ trong mọi lứa tuổi, mọi thời kỳ, không chỉ ở Thủ đô mà trong cả nước!

Sau “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” được lan truyền nhanh chóng từ Bắc vào Nam, Bác Hồ khuyến khích Tố Hữu viết một bài thơ cho giai đoạn cách mạng mới. “Ta đi tới” ra đời vào tháng 8/1954, dựng lại không khí những ngày đầu giải phóng Miền Bắc, Bác Hồ trên đường về Hà Nội:

Tháng Tám mùa thu xanh thắm

Mây nhởn nhơ bay

Hôm nay ngày đẹp lắm!

Mây của ta, trời thắm của ta

Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà!

Đã tan tác những bóng thù hắc ám

Đã sáng lại trời thu tháng Tám

Trên đường ta về lại Thủ đô

Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ!

Bác Hồ và Thủ đô Hà Nội hiện lên một cách linh thiêng trên con đường giải phóng hoàn toàn đất nước:

Ta đi tới, không thể gì chia cắt

Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau

Trời ta chỉ một trên đầu

Bắc Nam liền một biển

Lòng ta không giới tuyến

Lòng ta chung một cụ Hồ

Lòng ta chung một Thủ đô

Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!

Theo NDĐT