Là làn điệu dân ca độc đáo, với lối hát đối đáp trữ tình, giàu tình cảm…, giai điệu Soọng cô vẫn được các “nghệ nhân” người dân tộc Sán Dìu ở xóm Bờ Tấc, xã Bàn Đạt (Phú Bình) ngân nga mỗi khi ra đồng làm ruộng, lên đồi hái chè, hay lúc ru con ngủ… Qua đó góp phần gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Làn điệu Soọng cô được bà con người dân tộc Sán Dìu ngân nga hát mỗi khi ra đồng làm ruộng, lên đồi hái chè... |
Đến nhà văn hóa xóm Bờ Tấc vào một ngày đầu Xuân, trong tiết trời còn se lạnh nhưng tràn đầy sức sống của đất trời, chúng tôi được hòa mình cùng không khí vui tươi của các cô, các bác người dân tộc Sán Dìu, trong những bộ trang phục rực rỡ. Gác lại những vất vả, lo toan của cuộc sống thường ngày, mọi người cùng nhau đội khăn, thắt lưng, quấn xà cạp… Trên khuôn mặt ai nấy đều nở nụ cười tươi khi lại được cùng nhau cất lên lời ca, tiếng hát...
Ông Trần Đức Sông, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô của xã Bàn Đạt, cho biết: Theo tiếng Sán Dìu thì soọng có nghĩa là hát, còn cô là ca. Lời ca và giai điệu của Soọng cô không hề khô cứng mà mềm mại, đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư, tình cảm của người hát. Để bảo tồn và phát huy những giá trị đó, năm 2012, chúng tôi đã tập hợp người dân ở các xóm Đồng Quan, Đá Bạc, Cầu Mành và Bờ Tấc, thành lập CLB Soọng cô xã Bàn Đạt. Đến nay, CLB có 35 thành viên, độ tuổi từ 50-70 tuổi. Vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật hằng tuần, tại mỗi xóm, các thành viên đều gặp gỡ để giao lưu và luyện tập các bài hát Soọng cô.
Nói về sự ra đời của điệu hát, các cô, các bác trong CLB hào hứng kể: Theo truyền thuyết, khi trời đất còn gần nhau, có một làng quê yên bình và thơ mộng. Bỗng một hôm, ông trời nổi giận cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em nhanh chân chui vào quả bầu khô nổi lên theo dòng nước nên sống sót. Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai nên họ đành lấy nhau, sinh ra nhiều con cháu làm người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Mặc dù làng đông người nhưng đều là con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau nên mọi người phải sang làng bên, dùng tiếng hát để trải lòng mình với bạn tình. Điệu hát Soọng cô ra đời từ đó và tồn tại cho đến ngày nay.
Soọng cô là một loại hình xướng ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian, được truyền miệng và lưu giữ hàng trăm năm nay của người Sán Dìu. Năm 2015, hát Soọng cô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. |
Vì là tiếng nói của người lao động nên Soọng cô có ca từ mộc mạc, thể hiện bản chất bình dị, chất phác của người nông dân. Khác với cách hát của những dân tộc khác, người hát Soọng cô cần có sự nhanh trí, tài ứng khẩu và thuộc nhiều ca từ. Do đó, ai cũng cố gắng học thuộc thật nhiều bài để không hổ thẹn, thua cuộc khi hát đối đáp, giao lưu.
Lật từng trang trong cuốn sách sưu tầm bài hát Soọng cô, ông Sông chia sẻ: Số lượng các bài hát Soọng cô rất phong phú. Chính vì thế, bên cạnh việc sưu tầm, dịch các bài hát cổ, chúng tôi còn viết lời mới sao cho phù hợp với đời sống, sinh hoạt thường ngày; tổ chức cho thành viên đi giao lưu với các CLB Soọng cô khác ở trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ kiên trì tập luyện, giao lưu, CLB Soọng cô Bàn Đạt còn cử “nghệ nhân” nhiều kinh nghiệm, hướng dẫn học sinh trên địa bàn tập luyện các bài hát. Bà Diệp Thị Chúc (66 tuổi), thành viên CLB cho hay: Hiện nay, tôi đang hướng dẫn 7 học sinh ở Trường THCS Bàn Đạt tập hát các bài hát Soọng cô, chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mái trường, thầy cô... Nhìn chung, các cháu tiếp thu khá nhanh và thuộc nhiều bài hát chỉ trong thời gian ngắn.
Cô giáo Mã Thị Hằng, giáo viên Trường THCS Bàn Đạt, nói: Nhằm phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Sán Dìu, năm 2021, Nhà trường đã xây dựng Dự án bảo tồn và phát huy nét đẹp của điệu hát Soọng cô. Nội dung gồm tiến hành khảo sát thực trạng nghe, nói tiếng Sán Dìu của học sinh; thành lập CLB nói tiếng Sán Dìu với 53 thành viên; thành lập CLB Soọng cô… Chúng tôi thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia tập luyện cùng với các cô, các bà trong CLB Soọng cô của xóm; tuyên truyền các bài hát Soọng cô thông qua trang web của Nhà trường; đề xuất với Ban Giám hiệu lồng ghép hát Soọng cô với các môn học như Âm nhạc, Giáo dục địa phương…
Tiễn chúng tôi ra về sau một ngày gặp gỡ, các cô, bác nghệ nhân trong CLB Soọng cô Bàn Đạt không quên ngân lên những câu hát: Cô thòng dzạn/ Ết dzạn cô thòng nghi dzạn cô/ Dzam dzạn cô thòng hun hoi hị/ Diu lòi dzạn ngọi non keo ngồ (Dịch nghĩa: Tan cuộc chơi/ Một tan ca đường, hai dừng bài ca/ Ba để đôi bên chia tay tạm biệt/ Tiếp theo tạm biệt bạn hát kiêu sa). Họ chia tay khi lòng đầy lưu luyến và mong rằng một ngày gần nhất sẽ có dịp gặp lại và tiếp tục hát cho thêm nhiều người nghe làn điệu đẹp đẽ của dân tộc mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin