Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Văn Khình là một trong những “ngôi sao” sáng trên bầu trời văn học, nghệ thuật Thái Nguyên. Người nghệ sĩ gạo cội, cả đời dốc tâm huyết cho nghệ thuật múa dân gian, đã sáng tác nhiều tác phẩm đặc sắc mang đậm nét văn hóa, con người vùng Việt Bắc. Từ những đóng góp đó, năm 2022, ông là nghệ sĩ duy nhất của tỉnh Thái Nguyên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Tác phẩm múa Xe lanh của NSND Lê Văn Khình được biểu diễn trong chương trình “Hoa núi” năm 2022 do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức. |
Từ tình yêu nghệ thuật múa dân gian
Sắp bước vào tuổi 90, nhưng NSND Lê Văn Khình vẫn sung sức và minh mẫn. Ông trầm tĩnh, đặc biệt là rất khiêm tốn khi nói về thành công nghề nghiệp. Ông kể: Năm 1953, 19 tuổi, tôi được tuyển về Đoàn Văn công nhân dân Liên khu Việt Bắc (nay là Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc). Thấy hợp với mình, tôi đã chọn theo nghiệp múa.
Năm 1961, ông được đi học lớp biên đạo múa do Tổng cục Chính trị mở; được các nghệ sĩ nước ngoài giảng dạy, được tiếp cận với rất nhiều dòng múa, như: Dân gian, ba lê cổ điển, hiện đại phương Tây… Ngày ấy, các biên đạo múa thường chọn con đường phát triển tài năng bằng múa hiện đại, nhưng ông lại khác. Ông đã chọn con đường riêng cho mình theo dòng múa dân gian với mong muốn giúp khán giả trong và ngoài nước hiểu về Việt Nam - đất nước có nền văn hóa đa sắc màu.
Có lẽ, do chọn được hướng đi phù hợp mà con đường sáng tạo của ông rất dài rộng. Sau 2 năm được đào tạo, ông đã học tập và trở thành nhà biên đạo múa. Từ đó, các tác phẩm được ông sáng tạo thấm đẫm chất liệu dân gian của các dân tộc, góp phần đem lại hơi thở mới cho nghệ thuật múa Việt Nam.
Ông cho rằng, sở dĩ có được những thành quả đó là vì ông đã sống, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và nghiêm túc. Với tinh thần ấy và tâm niệm làm múa truyền thống phải sống cùng bà con, ông đã đến nhiều bản, làng ở các vùng núi cao, vùng dân tộc thiểu số để tìm hiểu, khai thác chất liệu văn hóa dân gian.
Nhiều dân tộc, tuy động tác múa cổ truyền khá nghèo nàn và đơn giản nhưng sinh hoạt, đời sống, văn hóa thì lại rất đặc sắc, phong phú. Ông đã nghiên cứu, chọn lọc và dùng sức sáng tạo của ngôn ngữ múa đưa bản sắc, “chất” của dân tộc đó lên sân khấu thành công.
Trong gần 70 năm theo nghề, NSND Lê Văn Khình đã trăn trở, yêu mến, phục dựng, sáng tạo ra những tác phẩm múa dân gian của các dân tộc. Trong suốt thời gian ấy, chưa bao giờ ông nghĩ mình chuyển nghề khác, tất cả những gì ông làm đều phục vụ ngành múa và vì nghệ thuật múa. Sự dẻo dai, bền bỉ hiếm có này ông cho rằng bắt nguồn từ tình yêu, say nghề múa.
Đưa nét đẹp bình dị của các dân tộc lên sân khấu
Với kiến thức về văn hóa và múa dân gian cùng tài năng sáng tạo, NSND Lê Văn Khình đã sáng tác trên 200 tác phẩm múa của các dân tộc. Trong đó, vinh dự nhất là hai tác phẩm: “Những cô gái Phiêng Hào” (âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương); “Những bông đỏ của rừng” (âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tịnh), đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022. Đây là 2 tác phẩm mang đậm chất dân gian vùng núi, đạt đến sự tinh xảo của nghệ thuật với vũ điệu đặc biệt điêu luyện nhưng rất bình dị, gần gũi với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
“Những bông đỏ của rừng” miêu tả nét đẹp của người dân tộc Pà Thẻn (Hà Giang) nơi địa đầu Tổ quốc. Qua nghiên cứu, ông thấy nghề dệt và trang phục dân tộc Pà Thẻn rất đẹp, rực rỡ, đặc biệt ấn tượng trong những đêm nhảy lửa, lễ cưới, lễ hội mùa Xuân… Vậy là ông đã đưa những đặc trưng của nghề dệt, trang phục và văn hóa người Pà Thẻn lên sân khấu qua ngôn ngữ múa. Đặc biệt là phần trang phục của các cô gái dân tộc Pà Thẻn có mầu đỏ rực rỡ bên ngoài, xen lẫn mầu đen ẩn hiện bên trong, rất ý nhị, tô thắm thêm vẻ đẹp không gian văn hóa vùng và miền Đông Bắc Tổ quốc.
Còn tác phẩm “Những cô gái Phiêng Hào”, nói về vẻ đẹp duyên dáng của những cô gái dân tộc Lự. Ông kể, đến bản Phiêng Hào (hiện nay thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu), tôi nhận thấy những cô gái ngay từ khi còn nhỏ đã đặc biệt chăm chút đến dáng vẻ của bản thân trước khi xuống bậc thang ra khỏi nhà. Lấy cảm hứng từ những bộ trang phục màu đen, hoa văn trắng; chất liệu múa dân gian của dân tộc Lự, ông đã sáng tạo tác phẩm kỳ diệu này với những bước chân nhịp nhàng, uyển chuyển, vẻ đẹp thầm kín, ước mơ về hạnh phúc của các cô gái Phiêng Hào.
Tuy tuổi đã cao, song ông vẫn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật múa. Mới đây, tác phẩm “Xe lanh” của ông được biểu diễn trong Chương trình “Hoa núi” năm 2022 do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Dưới tài quan sát, dàn dựng, cách điệu của ông, người phụ nữ Mông với bản tính cần mẫn, luôn tranh thủ thời gian để xe lanh, dệt vải, may trang phục cho người thân, được thể hiện vừa bình dị vừa đẹp lạ kỳ, tựa những nàng tiên miệt mài đùa vui với những sợi tơ trời lóng lánh...
Ông tâm sự: Làm múa dân gian khó lắm, không hiểu sâu về văn hóa, không quan sát kỹ thì không thể làm được. Cần phải dựa vào văn hóa và những động tác múa cổ truyền, nắm được cái tinh thần, cái “chất” của dân tộc đó mà sáng tạo. Sáng tạo nhưng phải tôn trọng bản sắc, giữ được “chất” dân tộc thì sẽ có được tác phẩm múa dân gian hay và đẹp…
NSND Lê Văn Khình sinh năm 1934, dân tộc Nùng, nguyên Phó Trưởng Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc. Ông quê ở xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Với những cống hiến của mình, ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất năm 1986; được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988, NSND năm 1997; được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2022… |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin