Mang hơi thở đương đại vào múa rối

Theo QĐND 18:22, 02/01/2023

Tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, năm 2022, Nhà hát Múa rối Việt Nam gây ấn tượng với khán giả khi trình diễn vở rối “Bản tình ca trên núi cao” bằng cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với dòng chảy đương đại.

Cảnh trong vở rối “Bản tình ca trên núi cao”.
Cảnh trong vở rối “Bản tình ca trên núi cao”.

Vở rối “Bản tình ca trên núi cao” lần đầu ra mắt công chúng cách đây 60 năm, do Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đặng Lợi (1927-2007) dàn dựng. Với hình thức trình diễn đơn giản khi chủ yếu dùng rối que để biểu diễn, cốt truyện mộc mạc, song tác phẩm đã gây tiếng vang trong một thời gian dài.

"Bản tình ca trên núi cao” kể về tình yêu của cặp đôi trai gái người dân tộc Mông là chàng Nùng Phai và nàng Gau Dự. Nàng Gau Dự, một cô gái đẹp như bông hoa rừng chớm nở, say mê tiếng khèn của chàng trai tài giỏi Nùng Phai. Tình yêu của Nùng Phai-Gau Dự cứ êm đềm, ngọt ngào theo năm tháng.

Bỗng một ngày, hổ dữ hiện bóng khổng lồ, dùng bàn tay phép thuật biến Gau Dự thành đồng loại của mình hòng chiếm được tình yêu của nàng. Để cứu người yêu, Nùng Phai đã tìm đến hang hổ, bằng tiếng khèn và tình yêu chân thành của mình đã đưa Gau Dự trở lại làm người.

Với cốt truyện mộc mạc và đề tài quen thuộc về tình yêu đôi lứa, vở diễn “Bản tình ca trên núi cao” đã mang đến cho người xem thông điệp đầy tính nhân văn. Vẫn cốt truyện đó, nhưng lần này, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã làm mới bằng cách tạo trò và tạo hình nhân vật khác với truyền thống.

Lý giải việc dựng lại vở rối “Bản tình ca trên núi cao”, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, cho biết: “NSƯT Đặng Lợi là một trong những người có công đóng góp những viên gạch đầu tiên thành lập Nhà hát Múa rối Việt Nam. Sau 60 năm, thế hệ đạo diễn, nghệ sĩ chúng tôi đã dàn dựng lại kịch bản của ông để tri ân tác giả, đồng thời cũng mong muốn thể hiện vở diễn theo một tư duy sáng tạo mới mang tính thử nghiệm của những người làm nghệ thuật rối ngày hôm nay”.

Việc làm mới tác phẩm cũ tại sân khấu truyền thống không phải là hiếm, song với những nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Múa rối Việt Nam, việc dựng lại “Bản tình ca trên núi cao” nhằm mang hơi thở của cuộc sống đương đại vào tác phẩm truyền thống. NSND Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ: “Tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, năm 2022, chúng tôi muốn thử nghiệm vở rối với đề tài về tình yêu của đôi trai gái người dân tộc Mông trên vùng núi cao. Chúng tôi đã cố gắng tạo nên vở diễn mà ở đó vừa có tính đương đại, tính vùng, miền, tính dân tộc nhưng cũng mang cả yếu tố quốc tế”.

Đánh giá về nét mới của vở rối, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, cho rằng vở rối “Bản tình ca trên núi cao” đã từng được một số đơn vị nghệ thuật dàn dựng. Lần này, tác phẩm trên được Nhà hát Múa rối Việt Nam thể hiện lại mang hình thức khác hẳn bởi những trò diễn, ngôn ngữ thể hiện riêng biệt. Từ một vở rối kinh điển với hình thức đơn giản và chủ đạo là dùng thể loại rối que để biểu diễn, thì nay “Bản tình ca trên núi cao” đã đem tới một hình thức thể hiện sân khấu rối mang tính đương đại. Những xử lý về tạo hình, trang phục, thiết kế sân khấu, âm nhạc... đều có sự tìm tòi mới mẻ, hấp dẫn; đồng thời khoe được nhiều thể loại của sân khấu múa rối.

Theo NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, không chỉ khán giả mà bản thân những người làm nghệ thuật múa rối cũng cảm thấy thú vị, có nhiều cái để xem, học tập và tìm ra "chìa khóa" để phát triển nghệ thuật múa rối đương đại.