Về Tân Phú - miền di sản văn hóa

Nguyễn Đình Hưng (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) 09:21, 21/01/2023

Phường Tân Phú (TP. Phổ Yên) cách trung tâm tỉnh Thái Nguyên 32km, là vùng đất trù phú ven sông Cầu và giàu tiềm năng về di sản văn hóa. Trong tiết Xuân nhẹ nhàng, chúng ta cùng rong ruổi về Tân Phú tham quan, chiêm ngưỡng một số di sản văn hóa tiêu biểu ở miền quê này.

Cổng làng Phú Cốc - một làng nghề truyền thống tơ tằm ở phường Tân Phú.

Phường Tân Phú có 3 làng cổ là: Vân Trai, Phú Cốc và Tảo Địch. Miền quê Tân Phú nằm trên soi đất ven sông Cầu, có địa thế hẻo lánh, kín đáo, thuận tiện cho hoạt động bí mật, nên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tại các cơ sở cách mạng như: gia đình ông Ngô Thượng Đãng, làng Vân Trai đã diễn ra Đại hội Chi bộ xã Tân Tiến lần thứ nhất; cơ sở nhà ông Ngô Thượng Son (nay là tổ dân phố Tiến Bộ), nhà ông Ngô Thượng Thạch (nay là tổ dân phố Tân Thịnh) từng là địa điểm hoạt động hội họp của cán bộ cách mạng ở địa phương.

Đến tháng 7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hai gia đình này là địa điểm đặt trạm dừng chân của đồng chí Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao để chuẩn bị dự Hội nghị Trung Giã ký kết đình chiến, thực dân Pháp cam kết rút khỏi miền Bắc, một nửa nước Việt Nam giành được độc lập.

Chùa Phú Cốc (thuộc tổ dân phố Lợi Bến) được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), trong thời kỳ kháng chiến đã bị đổ nát, nay mới được nhân dân phục hồi. Chùa có không gian rộng rãi, thoáng đãng, gắn với đời sống sinh hoạt văn hoá của một ngôi làng vốn nổi tiếng về nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa. Làng xóm có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp có bãi mía, nương ngô, ngàn dâu xanh ngắt.

Chùa Tây Phúc - một danh lam thắng cảnh của phường Tân Phú.

Chùa Tây Phúc (thuộc tổ dân phố Thanh Vân). Năm 1729-1732, nhân dân Thanh Vân và Thư Trai cùng nhau công đức xây dựng chùa Tây Phúc. Cuối thế kỷ XIX, hai làng sáp nhập với nhau gọi là làng Vân Trai. Sau đó, làng Vân Trai và Phú Cốc lại sáp nhập với nhau gọi là xã Vân Phú, thuộc tổng Tiểu Lễ, phủ Phổ Yên. Từ đê sông Cầu nhìn xuống, chùa Tây Phúc đẹp như một bức tranh hoạ đồ. Điều thú vị ngôi chùa được xây dựng bằng nhiều cột đá hình tròn, hình vuông. Trên các cây cột đá được chạm trổ hoa văn và khắc các bài ký ghi họ tên nhiều người mua cột đá công đức xây chùa ở đầu thế kỷ XVIII, niên đại Lê Long Đức nguyên niên Tân Mão (năm 1731). Chùa có 20 pho tượng cổ, trong đó có tượng Tam thế được tạc bằng gỗ có giá trị nghệ thuật.

Đình Vân Trai (thuộc tổ dân phố Tiến Bộ). Đình Vân Trai nằm ở ven đê sông Cầu, cách chùa Tây Phúc khoảng 500m về phía Đông. Đình có 3 gian 2 chái, có 4 đầu đao cong vút như chiếc thuyền lớn sải cánh chuẩn bị ra khơi. Đình thờ Đức Thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát đã có công đánh giặc Lương ở thế kỷ VI, thời Hậu Lý Nam Đế. Đây công trình văn hoá lớn nhất của phường Tân Phú, cùng với chùa Tây Phúc, đình Vân Trai đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Đình Vân Trai.

Nghè Vân Trai (thuộc tổ dân phố Thanh Vân) được nhân dân địa phương xây dựng từ thời nhà Lê (thế kỷ XVIII). Qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử, nghè hiện được phục dựng gồm có 1 gian, 2 chái, kiến trúc kiểu đình, chùa có bốn đao, bốn mái, bờ nóc đắp hình mặt trời, hai bên có đôi rồng chầu. Tại ngôi nghè Vân Trai hiện nay còn bảo tồn, lưu giữ được 3 đạo sắc phong thời nhà Nguyễn, 1 bản thần tích, 1 bản hương ước và 4 tấm bia đá lập vào thời nhà Lê và nhà Nguyễn. Đây đều là những tài liệu, hiện vật rất quý giá về mặt lịch sử.

Nhà thờ họ Trần (tổ dân phố Hồng Vân). Đây là dòng họ có nhiều người đỗ đạt thời Hậu Lê và hiện vẫn duy trì lệ giỗ tổ ở Tân Phú. Nhà thờ xưa làm rất khang trang, có lập bia đá quy định việc thờ cúng trong họ; thể lệ khuyến học để tuyên dương những người đỗ đạt; quy định việc người được giao làm ruộng họ thu hương hoả thờ cúng, ai vi phạm sẽ không được giao và phải trả lại ruộng họ cho người khác đảm nhiệm. Hiện nay, nhà thờ họ Trần đã được phục hồi, duy trì thờ cúng hiện vật bia đá Phụng sự từ đường bi ký có 4 mặt khắc gần 1 nghìn chữ Hán Nôm niên đại Long Đức nguyên niên (năm 1732) là hiện vật quý hiện còn lưu tại từ đường. Đây là số ít ngôi từ đường được bảo tồn ở các làng quê hiện nay.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; bảo tồn, gìn giữ nhiều di sản văn hoá, trên địa bàn phường Tân Phú còn có nhiều lễ hội cổ truyền diễn ra ở các di tích lịch sử, văn hoá và trong phong tục, tập quán của nhân dân mang bản sắc văn hoá vùng miền. Quần thể di tích lịch sử văn hoá làng Vân Trai, Phú Cốc nói riêng và di sản văn hoá phường Tân Phú nói chung cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời là cơ sở để lập quy hoạch, đề án, dự án nhằm phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương gắn với phát triển về du lịch của TP. Phổ Yên trong tương lai.


Từ khóa:

Tân Phú

di sản văn hóa