Đằm thắm sắc chàm

Thu Nga 14:53, 20/01/2023

Ở xã Na Mao (Đại Từ), những phụ nữ dân tộc Sán Chay vẫn thường nhuộm vải bằng củ nâu, sắc chàm với tâm niệm giữ gìn, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống không bị mai một theo thời gian.

Bà Trần Thị Áng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sấng Cọ ở xã Na Mao (Đại Từ) cùng các thành viên chia sẻ bí quyết nhuộm vải bằng củ nâu.

Ngày đầu năm mới, dưới làn mưa Xuân lất phất, là lúc những người phụ nữ của Câu lạc bộ Sấng Cọ xã Na Mao cùng nhau thực hiện một trong những công đoạn làm nên bộ trang phục dân tộc. Đó là nhuộm vải bằng nguyên liệu tự nhiên: củ nâu, cây chàm…

Bà Trần Thị Áng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sấng Cọ, chia sẻ: Từ xa xưa, người Sán Chay đánh giá tài năng, đức hạnh của người phụ nữ thông qua khả năng nhuộm vải. Các công đoạn để nhuộm ra tấm vải như được hình thành theo tháng ngày nhọc nhằn của người phụ nữ. Đó là một tác phẩm nghệ thuật được người phụ nữ Sán Chay làm ra với sự cần cù, khéo léo.

Để nhuộm được tấm vải màu chàm phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là thu hoạch chàm. Cây chàm được trồng vào tháng 2 và thu hoạch vào tháng 7. Chàm cắt về, rửa sạch cắt thành từng khúc ngâm vào vại, qua một đêm, thứ nước đó được hoà với nước tro bếp và một bát nước vôi, sau đó khuấy đều, để lắng 30 phút. Người ta lấy nước lắng phía bên dưới, sau đó khuấy mạnh đến khi sủi bọt. Sau vài ngày, bọt sủi đầy mặt nước thì nước nhuộm chàm đã chín... Sau một tuần thì bắt đầu thả vải vào ngâm. Vải nhuộm một lần có màu xanh nhợt, dễ phai, nên phải nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần rồi mang phơi nắng, sắc xanh sẽ thẫm như màu của núi rừng.

Ngoài vải nhuộm chàm, phụ nữ Sán Chay ở xã Na Mao còn nhuộm vải với củ nâu. Củ nâu được thái nhỏ thành miếng, rồi cho vào cối giã nhỏ, sau đó vớt ra chậu cho nước vào rồi quấy đều. Tùy theo lượng củ nâu mà pha chế nước cho thích hợp, không để đặc hay loãng quá. Nước củ nâu để cho lắng, chắt nước cho vào chậu để nhuộm.

Theo kinh nghiệm của cụ bà Trần Thu Thảo, xóm Khuôn U, xã Na Mao: Vải ngâm vào nước nâu phải vò cho đều để mọi sợi vải đều ngấm. Phải dùng tay vò nhiều lần, thậm chí cho chân vào đạp cho đến khi vải đã ngấm kỹ, lấy từng mảnh ra vắt kiệt nước, rồi đem phơi. Khi phơi phải căng cho thật thẳng để vải không nhăn thành nếp. Trời được nắng, phơi vải khoảng 1 tiếng đồng hồ. Áng chừng vải khô đem vào nhuộm và phơi tiếp, một ngày bình thường có thể nhuộm và phơi trung bình được 5 lần. Để tấm vải lên màu đẹp thì phơi sao cho diện tích tiếp xúc của nắng với vải là lớn nhất. Đây là loại vải phổ biến, dùng để may quần áo cho nam giới, kể cả trẻ con cũng có thể may áo bằng loại vải nâu đậm này. 

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, trang phục thường ngày của người Sán Chay cũng giống người Kinh, Tày, Nùng... Chỉ có những dịp đặc biệt, như lễ, Tết, ngày hội, trình diễn văn nghệ, họ mới khoác lên mình bộ trang phục truyền thống.

Tuy nhiên, việc tự tay làm ra những trang phục truyền thống của dân tộc mình bằng cách sử dụng các nguyên liệu tự nhiên vẫn được bà con duy trì. Dẫu vất vả, tốn công nhưng lại thân thiện với môi trường và là cách đồng bào lưu giữ những nét văn hóa lâu đời. Trước sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một, để gìn giữ và phát triển vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc, những người phụ nữ Sán Chay vẫn đang âm thầm, nỗ lực trao truyền với mong ước bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa cho muôn đời sau...