Trong xây dựng chiến lược nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, then chốt là nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác văn hóa. Bởi họ là lực lượng quan trọng, trực tiếp quyết định đến chất lượng văn hóa, tinh thần trong nhân dân, trong đó có phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Ông Nguyễn Đức Luân (bên phải), Trưởng xóm Ao Trám, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, chia sẻ với người dân về tủ sách pháp luật của xóm. |
Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Tại các thiết chế văn hóa của tỉnh đang có trên 3.500 cán bộ, viên chức, người lao động làm việc, nhưng chỉ có hơn 200 người ở cấp tỉnh; hơn 80 người ở cấp huyện, gần 200 người ở cấp xã và hơn 3.000 người ở xóm, tổ dân phố.
Hầu hết cán bộ làm công tác văn hóa ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học; nhiều người trong số họ có trình độ thạc sĩ. Họ đứng trong biên chế Nhà nước. Số đông còn lại là ở các xóm, tổ dân phố, được nhân dân trực tiếp lựa chọn, ủy thác, họ là những người có năng lực, có uy tín và trách nhiệm.
Để nguồn nhân lực làm công tác văn hóa các cấp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở thời đại công nghệ số, hằng năm Sở chủ động phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng công tác văn hóa cho toàn đội ngũ. Cơ bản là các kỹ năng, nghiệp vụ về công tác quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa; kỹ năng tuyên truyền; đồng thời tổ chức lồng ghép nội dung các phong trào thi đua yêu nước với phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Cụ thể hơn là nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, vận hành, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Trong đó có nghiệp vụ về quản lý tủ sách pháp luật; tổ chức hoạt động các câu lạc bộ ở cơ sở như: Câu lạc bộ văn nghệ, thể thao; câu lạc bộ bình đẳng giới; gia đình không có bạo lực… Hiện, trên toàn tỉnh có hàng nghìn câu lạc bộ theo sở thích của nhân dân được thành lập, hoạt động có hiệu quả.
Hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có trung tâm văn hóa - thể thao; nhà văn hóa; hội trường đa năng; trung tâm học tập cộng đồng. Ảnh chụp tại xã Trung Lương (Định Hóa). |
Thực tế minh chứng là qua các giai đoạn lịch sử đất nước, đội ngũ những người làm công tác văn hóa luôn phát huy rõ vai trò của mình trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Cũng thông qua các hoạt động văn hóa có định hướng của Đảng, họ góp phần không để mặt trái, mặt tiêu cực của cơ chế thị trường làm băng hoại đạo đức xã hội. Hội nhập quốc tế, họ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Đặc biệt, thời công nghệ số, họ tiếp tục phát huy vai trò của người làm công tác văn hóa, tích cực tổ chức hoạt động tuyên truyền thông qua các hình thức văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, sinh hoạt câu lạc bộ theo sở thích để mỗi người dân thấm nhuần hơn tư tưởng, đạo đức cách mạng, từ đó tỉnh táo, không mắc mưu phá hoại của các thế lực thù địch; chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tuy nhiên, thời đại của xã hội số, công dân số cũng là một thách thức lớn đối với đội ngũ những người làm công tác văn hóa. Nhất là với đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã, xóm. Giản đơn như việc tiếp cận với công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình vận hành các thiết chế văn hóa…
Để khắc phục khó khăn này, các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực vào cuộc, tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý thiết chế văn hóa; kỹ năng tuyên truyền, tổ chức sinh hoạt văn hóa cho nhân dân phù hợp với tiến triển chung của xã hội số. Qua đó làm thay đổi phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ những người làm công tác văn hóa. Nhất là đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng xóm... những người trực tiếp quản lý, điều hành các thiết chế văn hóa cơ sở.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực quản lý các thiết chế văn hóa, Sở cũng như các địa phương đã quan tâm thỏa đáng trong công tác quy hoạch, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và lao động tham gia quản lý, vận hành hoạt động của các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.
Các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ cán bộ hoạt động văn hóa cơ sở được đảm bảo, đúng quy định của Nhà nước. Nguồn nhân lực trong ngành Văn hóa cũng như đội ngũ tham gia quản lý các thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của những người tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng và vì lợi ích của nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin