“Việc Nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất phim hàng năm tạo nên nhiều bộ phim hay cho điện ảnh Việt Nam, là điều đáng quý. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ đầu tư sản xuất là xong trách nhiệm mà cần quan tâm cả khâu phát hành, quảng bá để phim đến được với mọi đối tượng khán giả ở khắp đất nước. Nhiều phim đầu tư tốn kém, chiếu vài buổi xong cất kho, rất lãng phí”, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đặng Nhật Minh trăn trở.
Hình ảnh phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm. Ảnh do đoàn phim cung cấp |
Phim Việt lúng túng tìm đường ra rạp
“Những đứa trẻ trong sương” (tựa tiếng Anh: “Children of the Mist”) là bộ phim tài liệu được thực hiện với nhiều tâm huyết của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm. Đặc biệt, tác phẩm là phim đầu tiên của Việt Nam lọt vào đến danh sách rút gọn của 15 phim tài liệu tranh Giải Oscar 2023; ngoài ra, tại Liên hoan phim (LHP) tài liệu quốc tế 2021 ở Amsterdam, Hà Lan (IDFA 2021), Hà Lệ Diễm được vinh danh ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Theo đạo diễn, đến nay tác phẩm đã nhận khoảng 34 giải thưởng và được mang đến hơn 100 LHP lớn nhỏ trong nước và quốc tế hơn hai năm qua.
Chọn đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam, đạo diễn đưa phim ra rạp phục vụ khán giả. Tuy nhiên, con đường của phim tiếp cận với khán giả khá gian nan. Ban đầu, nhà sản xuất “Những đứa trẻ trong sương” mong muốn có hai buổi chiếu ra mắt ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội), song vì giá thuê cao nên phải thay đổi kế hoạch. Xếp được lịch hai suất chiếu (17 giờ và 18 giờ 15 phút) ở hệ thống rạp Beta Cinemas từ ngày 17-3 cũng là những cố gắng trong khả năng có thể của nhà sản xuất, với mong muốn “Những đứa trẻ trong sương” đến với khán giả Việt Nam nhiều nhất.
“Vì chưa có nhà phát hành nên chúng tôi phải bỏ kinh phí thuê rạp để chiếu phim. Không sao cả, cứ làm thôi, khó chỗ nào thì kêu ở chỗ đó mọi người giúp. Mong rằng, phim được khán giả quan tâm, đón nhận và ủng hộ để tiếp tục được thêm suất và trụ rạp cũng như tính tới việc phát hành ở miền Trung và TP Hồ Chí Minh”, đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ.
Trước “Những đứa trẻ trong sương”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Đi tìm Phong”, “Lửa Thiện Nhân” hoặc ngay cả “Đêm tối rực rỡ”, “Tro tàn rực rỡ” là những bộ phim đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, cũng khó tìm được đơn vị phát hành, hoặc sự hỗ trợ từ các rạp chiếu, kể cả rạp quốc doanh để phim có thể đến được với khán giả.
Đến nay, nguồn cổ vũ duy nhất với “Những đứa trẻ trong sương”, là Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD). Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc TPD cho biết: “Nhà phát hành Beta Cinemas đã “đưa tay” đón bộ phim này - bộ phim mà đáng lý quản lý nhà nước về văn hóa, điện ảnh cần giúp đỡ lan tỏa, bởi nó nói về văn hóa địa phương của chúng ta, đồng thời mang về vinh quang mà điện ảnh tài liệu trong nước chưa từng chạm tới”.
Thiếu gian hàng điện ảnh quốc gia, phim Việt yếu thế
Đạo diễn Phan Đăng Di thẳng thắn, Việt Nam luôn đặt ra mục tiêu phát triển nền công nghiệp điện ảnh. Chúng ta có cơ sở để đạt được điều này khi dân số đã gần 100 triệu người. Nhưng bất kỳ nền công nghiệp nào thì điều cần thiết phải có hoạt động xúc tiến cụ thể, giới thiệu tới đối tác phải bài bản. Các nhà làm phim Việt hiện nay đang làm không có hệ thống lắm. Quốc tế có các hội chợ về phim, điện ảnh, nhiều hãng phim lớn đến họ có các gian hàng quốc gia ở hội chợ. Quan trọng, vì đó là nơi các quốc gia giới thiệu “thương hiệu” một cách chính thống. Còn Việt Nam, năm đi, năm không và cũng chưa có gian hàng quốc gia nào. Thiếu gian hàng quốc gia, điện ảnh Việt yếu thế. “Rất đáng tiếc là điện ảnh Việt Nam đã có một giai đoạn rất phát triển, mà giai đoạn rực rỡ đó lại trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Chúng ta đã loay hoay khá lâu và đến giờ không có thông tin trên các diễn đàn điện ảnh của quốc tế”, đạo diễn Phan Đăng Di cho hay.
Trong nước điện ảnh Việt gặp khó, cạnh tranh khi ra rạp bởi áp lực đối mặt với các “ông lớn” chủ rạp hầu hết nằm trong tay của các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như các phim "bom tấn" nhập ngoại. Khó khăn lắm mới có những phim Việt đoạt doanh thu cao, nhưng không đồng nghĩa với dành cho mọi đối tượng khán giả và đạt chất lượng nghệ thuật để có thể đại diện cho điện ảnh Việt đi so tài với quốc tế. “Nên chăng, Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm của Thái Lan, ưu đãi giảm thuế 15% cho các nhà sản xuất và giảm thêm 5% cho đoàn phim dành công việc cho nhân lực tại địa phương đoàn thực hiện bối cảnh phim... Như vậy sẽ tạo động lực và khuyến khích các đơn vị sản xuất phim, đặc biệt là các đoàn phim quốc tế tới Việt Nam hợp tác, hoặc đơn vị tư nhân”, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết thêm.
Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, công nghiệp điện ảnh là ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Luật Điện ảnh có hiệu lực từ tháng 1/2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, ngành kinh tế. Tuy nhiên, bà Ngô Phương Lan cho rằng, khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa vào đời sống, cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp từ Nhà nước để phát huy hết năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành - phổ biến phim, phát triển thị trường điện ảnh Việt và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh dần lớn mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin