Sáng, nghe cụ hát nựng chắt: Cái mốt, cái mai, cái trai, cái hến, con nhện, chăng tơ, mùa mơ, mùa mận, mùa đào, nên đôi, đôi chúng tôi, đôi chúng chị, đôi xách bị, đôi cánh hoa, đôi lên ba… Bỗng nhiên cả một trời thơ ấu tràn về trong tôi.
Cái mốt, cái mai… là những lời đồng dao chúng tôi vẫn đọc khi chơi chuyền ngày thơ bé, một trò chơi dân gian hầu như chỉ dành cho trẻ em gái. Những cái mốt, cái mai, cái trai, cái hến giản dị như gió nội hương đồng đã cùng chúng tôi đi qua bao năm tháng, trong trẻo và rộn rã tiếng cười.
Lũ trẻ chúng tôi ngày đó đâu có nhiều trò chơi như bây giờ. Buổi trưa cả bọn trốn ngủ ra bụi tre đầu ngõ, chỉ cần một khoảng nhỏ là đủ chỗ cho mấy đứa con gái chơi chuyền.
Đầu tiên chúng tôi chuẩn bị quả chuyền, có thể là quả cà, quả bưởi non, hoặc đôi khi chỉ là một viên sỏi vừa tay và 10 que chuyền chặt bằng nhau từ những đoạt tay tre đực vàng óng có độ dài như đôi đũa.
Thế rồi oẳn tù tì, ai thắng sẽ chơi trước. Quả chuyền tung lên cao, quả bay lên cũng là lúc tay hạ xuống nhặt thật nhanh que chuyền, rồi xòe ra đón quả chuyền trở lại, que chuyền được chuyển sang tay trái, cứ thế nhịp nhàng nhặt que theo thứ tự từ bàn một đến bàn mười…
Vừa chơi chúng tôi vừa hát những câu đồng dao phù hợp với từng bàn, từng chặng. Chơi chuyền đòi hỏi không chỉ sự khéo léo mà còn phải nhanh tay, nhanh mắt để nắm được cả quả và que cùng một lúc, nếu không sẽ bị mất lượt, dành quyền chơi cho người khác. Những buổi chơi chuyền như thế, tiếng cười và những bài đồng dao của chúng tôi vang khắp không gian.
Trò chơi dân gian xưa có lẽ giờ chỉ còn trong ký ức của một lớp người. Nhưng trên những trang sách học trò tôi đã thấy những bài đồng dao và hình ảnh tuổi thơ mình ngày trước. Tôi bỗng ước ao một ngày nào đó, những hình ảnh trong sách kia sẽ hiện diện giữa đời thường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin