Võ Nhai là địa bàn có số người Dao sinh sống đông nhất của tỉnh. Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang tại đây là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, đặc trưng của đồng bào được bà con gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay.
Theo tập tục của người Dao Lô Gang ở địa phương, cứ 3 năm một lần, nhân dân lại tổ chức lễ hội để cầu mùa. Trước ngày lễ hội, bà con người Dao nơi đây chuẩn bị đầy đủ rượu, thịt, rồi dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, sạch sẽ, trưng bày các vật dụng đẹp mắt đón khách đến dự hội chu đáo.
Theo lệ, mỗi gia đình đóng góp 1 con gà trống, 1,5 lít rượu, 250 nghìn đồng, 5 tờ giấy bản, 5 bơ gạo tẻ, 2 bơ gạo nếp. Đồng thời, mỗi nhà đem theo một túi thóc hoặc ngô để cúng trong lễ hội với ý cầu mong thần linh phù hộ cho nhân dân gieo trồng được mùa màng bội thu, thóc ngô đầy nhà, chăn nuôi, tăng gia sản xuất được mùa no ấm.
Mỗi gia đình sẽ có đại diện từ 1 đến 2 người tham gia lễ hội. Tất cả đến dự hội đều mỗi người góp sức vào từng việc cụ thể, thanh niên thì thịt lợn, thịt gà, phụ nữ thì đồ xôi xanh đỏ, nấu nướng. Nhộn nhịp nhất là nhóm người đàn ông chế tác công cụ sản xuất, đồ dùng bằng gỗ. Các ông được cấp sắc, độ tuổi trung niên thì in tiền, in mã, bắc cầu, treo sớ, thanh niên khác thì cắm cây, dựng rừng. Mọi công việc được hoàn thiện rất nhanh chóng.
Nét đặc sắc trong quá trình làm lễ là các thầy cúng hát những bài hát có nội dung kể về nguồn gốc tổ tiên, lời ca công trạng các vị tổ các dòng họ đã có công khai phá lập làng, các thần thiên nhiên có công giúp dân trừ quỷ dữ, giúp dân làm nương rẫy được mùa màng bội thu, diệt trừ tai ương bệnh tật…
Các thầy vừa cúng khấn vừa đánh trống, thổi kèn, đánh chiêng gọi các ma về phù hộ cho con cháu, dân làng được an khang, thịnh vượng. Sau đó thầy cả xin phép tổ tiên thổi 4 tiếng tù và mời Ngọc Hoàng và khấn trình bày việc cấp sắc, xin Ngọc Hoàng chứng giám và phù hộ, xin đưa các vị thần ở địa phương lên thiên đình, báo cáo việc lễ cầu mùa sau một năm vất vả.
Thầy cả, thầy hai cùng con hương sẽ múa Sthềnh hung. Đây là bài múa để thỉnh các ma gia tiên, ma ở bên ngoài nhà về chứng giám việc làm lễ cầu mùa. Các thầy gọi thần thánh, các đạo về chuẩn bị lễ duyệt binh, ông thầy cúng gọi các thần về làm chứng, mời gọi Ngọc Hoàng xuống để nghe lời cầu xin của dân chúng, cầu xin cho đủ nước để cày cấy, cho phong đăng hòa cốc, mùa màng được bội thu, ngô khoai, thóc lúa được đầy nhà, tiễu trừ tai ương bệnh tật cho dân khang, vật thịnh, nhà nhà no ấm.
Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang là lễ hội hoàn toàn có ý nghĩa cầu mùa gắn với cư dân làm nông nghiệp. Từ quan niệm vạn vật hữu linh, muốn cầu mong điều gì ta cầu vị thần đó. Do vậy, nghề làm ruộng, đi rừng phải thực hiện nghi lễ cúng thần Nông và thần Rừng.
Mục đích của lễ hội là để mời gọi các vị thần linh trên trời, dưới đất, các vị thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng... cùng về chứng giám lễ tạ của nhân dân. Từ đó, các vị thần sẽ nghe được lời cầu xin của muôn dân mà gọi mây về làm mưa, gọi gió, gọi nắng về mà gieo nước ngọt cho đời. Những yếu tố nhân văn đó được thể hiện qua các bài cúng, bài khấn, bài hát của các thầy cúng được diễn ra trong lễ hội.
Lễ Cầu mùa là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng người Dao. Đó là sự tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Dao Lô Gang, tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với không gian hành lễ mang đậm màu sắc tâm linh.
Những điệu múa, bài dân ca được lưu truyền trong Lễ hội Cầu mùa bao đời nay càng khẳng định nghệ thuật biểu diễn là một trong những bản sắc văn hóa đậm đà của người Dao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin