Trang phục truyền thống: Nét đặc trưng văn hóa của người Sán Dìu

Ngọc Thảo 11:52, 27/12/2023

Dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên có khoảng 5 vạn người, sinh sống tập trung ở các huyện: Đồng Hỷ, Phú Bình, Đại Từ, Phú Lương và TP. Phổ Yên, TP. Thái Nguyên. Người dân tộc Sán Dìu sống ở Thái Nguyên đông nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước (chiếm khoảng 30%). Nhằm bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Sán Dìu, các địa phương đã quan tâm lưu truyền và bảo tồn tiếng nói, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ Cấp sắc, truyền dạy nhau điệu hát Soọng Cô... ; nhất là việc gìn giữ trang phục truyền thống - nét đặc trưng văn hóa của người Sán Dìu.

Trang phục nữ truyền thống của người dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trang phục nữ truyền thống của người dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Mão, một thầy giáo đã nghỉ hưu ở xã Bình Thuận (Đại Từ), say sưa trong câu chuyện với chúng tôi khi nói về các phong tục, tập quán của người dân tộc Sán Dìu. Ông nói: Cũng như các dân tộc ít người khác, thuở “khai sơn lập địa”, người Sán Dìu lập làng trên mảnh đất thích hợp. Cuộc sống chủ yếu là làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm, hái lượm...  Trải qua nhiều thập kỷ, người Sán Dìu vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, đó là lễ Cấp sắc, hát Soọng cô và mặc trang phục bản địa...

Cũng theo ông Mão, bộ trang phục của nguời Sán Dìu do chính tay người phụ nữ Sán Dìu nhuộm vải để có được màu sắc ưng ý. Trang phục truyền thống của người Sán Dìu làm từ vải “diềm bâu” do “giao thương” với dân tộc khác mà có, rồi đem về nhuộm đồng nhất màu chàm...

Chúng tôi quan sát và nhận thấy, trang phục của người Sán Dìu không sặc sỡ và thêu thùa cầu kỳ nhiều hoa văn, màu sắc như trang phục vụ của một số dân tộc khác. Bộ trang phục truyền thống của người Sán Dìu khá đơn giản mà vẫn đẹp mắt, gọn gàng, khỏe khoắn, thể hiện khác nhau trên mỗi bộ trang phục của nam và nữ giới.

Theo bà Nguyễn Thị Thơ, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), một người dân tộc Sán Dìu, nữ phục truyền thống của người Sán Dìu gồm khăn đội đầu, áo dài ngang đầu gối, áo ngắn mặc bên trong, ngực đeo yếm trắng, váy xẻ nhiều lớp dài đến ngang đầu gối, bắp chân cuốn xà cạp trắng. Váy áo đều màu chàm, thắt lưng bằng dải lụa xanh, đỏ...

Ngày xưa, những bộ trang phục truyền thống đều do nguời phụ nữ tự khâu, nay được may bằng máy. Những bộ váy áo này nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực tế đòi hỏi người thợ may phải có những kỹ năng và cách may thật khéo léo thì những đường xếp của chiếc váy mới không bị co, rúm. Kèm theo bộ trang phục, người phụ nữ dân tộc Sán Dìu còn dùng một số đồ trang sức, như: Vòng cổ, vòng tay, xà tích, nhẫn bạc, túi đựng trầu...

Khác với trang phục nữ giới, trang phục của đàn ông Sán Dìu đơn giản, môc mạc hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ. Ông Nguyễn Văn Đào, dân tộc Sán Dìu, xã Vạn Thọ (Đại Từ), cho hay: Quần, áo có màu chàm, được may theo kiểu bà ba, có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rất rộng để thuận lợi cho việc leo núi, làm nương. Những trang phục đó được người Sán Dìu mặc thường ngày, trong mọi sự kiện...  

Với việc gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hóa của trang phục truyền thống, người Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang nêu cao ý thức, trách nhiệm trong tuyên truyền, giáo dục các thế hệ con cháu biết trân trọng, gìn giữ và phát triển vốn văn hóa độc đáo của cha ông, không để bị mai một theo thời gian...



Xưởng may đồng phục công sở giá rẻ