Để mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra an toàn, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở) đã chủ động vào cuộc, phối hợp, hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương làm tốt công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí VŨ THỊ THU HƯỜNG, Phó Giám đốc Sở, về nội dung này.
Đồng chí Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trao đổi về công tác tổ chức và quản lý lễ hội Xuân Giáp Thìn năm 2024. |
P.V: Trước hết, đồng chí có thể cho biết những nét mới trong Lễ hội Xuân Giáp Thìn năm 2024?
Đồng chí Vũ Thị Thu Hường: Cũng như cả nước, mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo đúng quy định của Chính phủ; đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân. Năm nay, một số địa phương có lễ hội mở rộng quy mô tổ chức, tạo thuận lợi cho nhân dân, du khách đến tham quan, chiêm bái, tìm hiểu về lịch sử địa phương.
Tại các lễ hội, ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống; phần hội được tổ chức đa dạng, phong phú với các trò chơi dân gian, truyền thống.
Điểm mới là một số lễ hội có thêm không gian ẩm thực; trưng bày giới thiệu nông sản địa phương; trưng bày sinh vật cảnh; hội diễn văn nghệ quần chúng; thi trình diễn trang phục dân tộc; quảng bá xúc tiến du lịch; cho chữ... Ngoài ra, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tuyển dụng người lao động. Các hoạt động trên góp phần làm không khí lễ hội thêm vui tươi, náo nhiệt.
P.V: Đồng chí có thể cho biết khái quát về một số lễ hội truyền thống tiêu biểu trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Vũ Thị Thu Hường: Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 200 lễ hội truyền thống. Mỗi lễ hội đều có nét độc đáo riêng biệt, nhưng cùng chứa đựng những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu gửi gắm của cộng đồng dân cư, cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp.
Các lễ hội diễn ra sớm như: Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội Núi Văn - núi Võ (Đại Từ); Lễ hội Chùa Hang (TP. Thái Nguyên)... Lễ hội được tổ chức với mục đích hướng thiện, thể hiện lòng tôn kính của cư dân địa phương đối với bậc tiền nhân có công lao với dân tộc, với quê hương và mong muốn một năm mới an lành.
Các lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng quy định của pháp luật, đúng nghi thức lễ. Đặc biệt, qua việc tổ chức lễ hội, nhiều nét đẹp sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của nhân dân được khơi dậy, bảo tồn và phát huy giá trị. Từ đó góp phần bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, của địa phương theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với thời đại số, nhưng cũng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.
Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình) thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. |
P.V: Để các lễ hội diễn ra đảm bảo nền nếp, an toàn, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, Sở đã vào cuộc như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Thị Thu Hường: Trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Để quản lý tốt hoạt động lễ hội, từ trước Tết Nguyên đán 2024, Sở đã có văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương yêu cầu nghiêm túc thực hiện công tác tổ chức và hoạt động lễ hội theo các quy định, nghị định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh.
Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích địa phương thực hiện việc đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định của Chính phủ.
Đồng thời, các địa phương chú trọng kiểm tra phương án phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an ninh, an toàn, thuận tiện cho nhân dân, du khách khi tham gia lễ hội; lập sơ đồ phân khu các khu vực tổ chức lễ hội; có bảng tóm tắt giới thiệu lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của di tích; biển chỉ dẫn tới các khu vực trong khuôn viên di tích và khu vực tổ chức lễ hội.
Cùng với đó, ban quản lý di tích sắp xếp hợp lý khu dịch vụ, nơi sắp lễ, hòm công đức; không để xảy ra các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi; không để xảy ra tình trạng có người lang thang ăn xin, trộm cắp, lừa đảo, cờ bạc, nghiện hút. Song hành với đó, các địa phương cũng kiên quyết xử lý các nghi lễ có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch giá.
P.V: Vậy, Sở đã có những giải pháp gì để hạn chế các hiện tượng tiêu cực diễn ra tại lễ hội (nếu có), thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Thị Thu Hường: Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, Sở chủ động phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Theo đó, đoàn liên ngành đã và sẽ tiếp tục kiểm tra tại ban quản lý 14 di tích có tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh. Đoàn sẽ xử lý kịp thời những vi phạm trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội; đồng thời tham mưu cho tỉnh các biện pháp quản lý phù hợp để lễ hội diễn ra văn minh, an toàn.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin