Năm nay, Lễ khai hội đền Đuổm (Phú Lương) diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng sẽ có thêm sự kiện khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024. Cả 2 sự kiện đều có nhiều nét mới, đặc sắc. Trong đó, Lễ hội đền Đuổm được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, còn Hội báo Xuân sẽ có thêm không gian trường quay ảo cho công chúng trải nghiệm.
Nghi lễ xin đất, xin nước tại giếng Dội thuộc quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đền Đuổm. |
Trong không khí Xuân rộn ràng, từ sáng nay (mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), nhiều hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội đền Đuổm đã được triển khai, bắt đầu bằng Lễ rước nước, rước đất từ giếng Dội về đền Trung. Ông Đỗ Gia Ngư, Bí thư Chi bộ xóm Đuổm, xã Động Đạt (Phú Lương), chia sẻ: Trong tâm thức người dân nơi đây, rước nước, rước đất không chỉ là nét văn hóa truyền thống, mà còn là hoạt động tín ngưỡng, cầu cho nơi đất thiêng ngày càng vượng khí, người người, nhà nhà bình an, phát triển.
Nghi lễ xin đất. |
Nghi lễ xin nước. |
Lễ rước nước, rước đất về đền Đuổm. |
Ngoài Lễ rước nước, rước đất, trong ngày mùng 5 Tết, nhiều hoạt động của Lễ hội đền Đuổm cũng được tổ chức, như: Lễ dâng hương của các xã, thị trấn cúng tiến Đức Thánh Đuổm; thi trưng bày, trang trí mâm lễ cúng tiến Đức Thánh Đuổm; thi giã bánh dày, gói bánh chưng; một số hoạt động tại Không gian văn hóa các dân tộc, Không gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, sản phẩm OCOP huyện Phú Lương; thi trình diễn trang phục truyền thống…
Ngày mai, mùng 6 Tết sẽ diễn ra các lễ chính gồm: mộc rục; gia quan; rước lễ vào đền; đại tế, khai mạc và lễ tạ. Theo Ban Tổ chức Lễ hội, các nghi lễ được thực hiện đúng quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với di tích cấp Quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể, theo tinh thần trao truyền cho nhân dân.
Thi trang trí mâm lễ cúng tiến Đức Thánh Đuổm. |
Phần hội sẽ có chương trình văn nghệ của đồng bào các dân tộc, ném Pao (dân tộc Mông); múa Chuông, múa Rùa (dân tộc Dao); hát Then (dân tộc Tày); múa Tắc xình (dân tộc Sán Chay)… Trong chương trình còn có các trò chơi dân gian, như: kéo co, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt đập niêu, đi cầu thăng bằng, đánh đu…
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội đền Đuổm Xuân Giáp Thìn 2024: Lễ hội đền Đuổm năm nay có nhiều điểm mới. Thứ nhất, lần đầu tiên không gian Lễ hội được thiết kế phân khu. Thứ hai là về phần hội, năm nay có thêm các phần thi: tung còn, đi cà kheo, thi thiết kế các sản phẩm quà tặng. Ngoài ra, Lễ hội năm nay còn tổ chức riêng một không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số…
Không gian chữ thư pháp tại Lễ hội đền Đuổm. |
Một điểm đặc biệt khác trong năm nay là ngày khai hội đền Đuổm sẽ có thêm sự kiện khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024. Hội báo Xuân sẽ giới thiệu đến bạn đọc gần 1.000 ấn phẩm báo Xuân của Trung ương, tỉnh Thái Nguyên và các địa phương trên cả nước; trưng bày sách về Đảng Cộng sản Việt Nam; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ASEAN; không gian trưng bày, giới thiệu những bức ảnh đặc sắc về quê hương, đất nước, con người, tỉnh Thái Nguyên...
Các đại biểu trao đổi tại không gian trưng bày báo chí Trung ương của Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024. |
Không gian trường quay ảo, trường quay tại chỗ - nét mới đặc sắc giúp công chúng có thêm trải nghiệm khi đến với Hội báo Xuân. |
Ông Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, cho biết: Khác với những lần tổ chức trước, tại Hội báo Xuân năm nay, Thư viện tỉnh đã trang bị hệ thống máy tính màn hình cảm ứng đồng bộ để truy cập báo điện tử. Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trưng bày những bức ảnh tiêu biểu về tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, các cơ quan báo chí phối hợp tạo không gian trường quay ảo, trường quay tại chỗ. Đây là nét mới đặc sắc giúp công chúng có thêm trải nghiệm khi đến với Hội báo Xuân.
Đến hẹn lại lên, Lễ hội đền Đuổm Xuân Giáp Thìn 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc. Du khách thập phương cũng tìm về đây, kính cẩn cúi mình thắp nén nhang thơm dâng lên Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh, vị tướng tài ba của vương triều Lý và rộn ràng hòa mình vào phần hội đầy sôi nổi. Đất trời và lòng người như hòa làm một, cùng cầu cho quốc thái dân an, đất nước, quê hương ngày càng phát triển, phồn vinh, thịnh vượng.
Đền Đuổm nằm dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt (Phú Lương). Tương truyền, vào thời Lý, tướng Dương Tự Minh đến đây ở, khi ngài mất, dân địa phương lập đền thờ trên sườn núi Đuổm. Dương Tự Minh là người Tày, sinh ra, lớn lên ở Quan Triều, làm quan dưới thời ba đời vua nhà Lý là: Lý Nhân Tông (1072 - 1128), Lý Thần Tông (1128 - 1138), Lý Anh Tông (1138 - 1175) và có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của Đại Việt. Phủ Phú Lương trở thành một vùng phồn thịnh trong hơn ba mươi năm dưới quyền ông cai quản. Ông được nhà vua hai lần gả công chúa (Thiều Dung và Diên Bình công chúa), phong là “Phò mã lang”. Khi rời khỏi chức vụ thủ lĩnh phủ Phú Lương, ông trở về Điểm Sơn, mất ở đấy và được nhân dân lập đền thờ (có câu “thượng Đu Đuổm, hạ Lục Đầu”). Sau khi ông mất, nhà Lý sắc phong cho ông là Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần, các đời sau đều phong ông là Cao Sơn Quý Minh. Lễ hội đền Đuổm có giá trị lịch sử to lớn, đánh dấu thời kỳ nhà Lý củng cố khối đoàn kết dân tộc và mở rộng ảnh hưởng của triều đình lên miền núi. Lễ hội thể hiện sự suy tôn của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc đối với công lao to lớn của tướng Dương Tự Minh trong lịch sử… Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội đền Đuổm được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2017. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin